BCH mới tinh gọn và tâm huyết sẽ thúc đẩy sự phát triển Hội Tự động hóa Việt Nam nhiệm kỳ V

12/Thg10/2020 10:33:44

PV: Trước hết xin chúc mừng ông đã được đại hội tiếp tục tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam khóa V. Bước đầu đã có một số điểm mới trong công tác nhân sự từ đại hội lần này, ông có thể cho biết rõ hơn?

Ông Nguyễn Quân: Năm nay, đại hội diễn ra trong bối cảnh nhiệm kỳ mới có rất nhiều thách thức, muốn nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động của hội thì phải củng cố về mặt tổ chức. Chính vì thế, cuối nhiệm kỳ IV, Ban Thường vụ (BTV) hội đã thông qua việc sửa đổi điều lệ cho nhiệm kỳ V. Trong đó, chủ trương của Ban lãnh đạo hội là phải củng cố lại tổ chức, tinh gọn bộ máy, chỉ cần số lượng vừa phải, vẫn tập hợp được các nhà khoa học, các doanh nghiệp, các hội viên tích cực nhưng phải đảm bảo được tính pháp lý cũng như tính hiệu quả của hoạt động. Nên khóa V này, lãnh đạo hội quyết định chỉ có 45 ủy viên Ban Chấp hành (khóa III có 108 người, khóa IV có 99 người) và 13 ủy viên BTV, ngay cả lãnh đạo hội cũng chỉ còn 3 Phó Chủ tịch.

Ngoài việc tinh gọn bộ máy, Điều lệ sửa đổi bổ sung của hội trong nhiệm kỳ mới cũng nhấn mạnh việc phát triển hội viên chuyển về cho Ban Chấp hành (BCH) của Trung ương hội thay vì các hội cơ sở như trước đây để đảm bảo tính pháp lý, đồng thời có thể chọn lọc được những hội viên thực sự có thế mạnh, nhất là các hội viên tập thể, và để Trung ương hội nắm được tình hình của hội viên.

Trước đây, BCH mang tính chất tập hợp càng đông càng tốt nhưng có một nhược điểm rất lớn, do các thành viên trong BCH đều là cán bộ viên chức hoặc doanh nghiệp nên thời gian thu xếp cho công việc của hội không được nhiều, vì vậy các hội nghị của lãnh đạo, BCH thường không đông đủ. Chính vì thế, có rất nhiều vấn đề quan trọng nhưng không ban hành được nghị quyết.

PV: Để bắt tay vào một nhiệm kỳ hoạt động mới, chương trình hành động của bộ máy lãnh đạo ngay sau đại hội sẽ là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Quân: Trong tuần đầu tháng 10, hội sẽ họp BTV để thành lập các tiểu ban, các ban chuyên môn của hội như Ban Khoa học công nghệ, Ban Doanh nghiệp, Ban Tổ chức, Ban Truyền thông, Ban cố vấn. Sau đó, các ban sẽ lên kế hoạch hoạt động trong năm 2021 và cả nhiệm kỳ. Hội sẽ đôn đốc kiểm tra các chương trình công tác của từng ban.

Năm 2021, hội phải làm những việc rất quan trọng: Một là, sự kiện VCCA 2021 dự kiến sẽ diễn ra tại Đại học Quốc gia TP.HCM. Trong cuối năm nay, hội phải thành lập Ban tổ chức sự kiện, sau đó các ban đều phải phối hợp triển khai công việc liên quan.

Hai là, triển khai nội dung trong các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ giữa hội với những đối tác nước ngoài.

Ba là, phát triển các hoạt động của hội để đem lại doanh thu, lợi nhuận phục vụ cho công việc của hội và tập trung vào việc tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoặc tìm kiếm chuyển giao công nghệ cho các hội viên. Trung tâm Tìm kiếm và Phát triển công nghệ Tự động hóa (TSDC) sẽ là đơn vị chủ lực trong nhiệm kỳ này. Trung tâm cần thúc đẩy việc ký kết được nhiều hợp đồng về tư vấn, chuyển giao công nghệ, tổ chức thực hiện những dự án về thành phố thông minh, chiếu sáng thông minh, robot,…

Trong thời gian tới, hội sẽ hợp tác với Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia triển khai Dự án Sàn giao dịch công nghệ và sẽ mời các doanh nghiệp là hội viên của hội giới thiệu gian hàng công nghệ tại sàn. Dự kiến năm 2021 dự án sẽ phải đi vào hoạt động.

Đối với Tạp chí Tự động hóa ngày nay, hội sẽ hỗ trợ tạp chí điện tử đi vào vận hành tốt. Bên cạnh đó, chuyên san phải xuất bản có chất lượng và đúng định kỳ. Về lâu dài, Tạp chí điện tử sẽ phải đóng vai trò của một diễn đàn giao lưu trực tuyến, tọa đàm trực tuyến để các hội viên, các doanh nghiệp hoặc những thành viên khác ngoài hội đều có thể tham gia vào những sự kiện của hội, giúp họ hiểu rõ hơn về công việc của hội và hỗ trợ hội trong các hoạt động chung.

PV: Hợp tác quốc tế là hoạt động rất quan trọng trong công tác của hội, mang lại lợi ích cho các nhà khoa học và doanh nghiệp tại Việt Nam, mục tiêu hợp tác quốc tế đề ra trong nhiệm kỳ V của hội sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quân: Nhiệm kỳ IV, hội đã tạo được những tiền đề rất quan trọng trong hợp tác quốc tế. Ngay tại đại hội, các đại biểu cũng đưa ra một số ý kiến đóng góp về hợp tác quốc tế, hội đã làm được rất nhiều việc nhưng nó vẫn nằm trong khuôn khổ các thỏa thuận, các văn bản ghi nhớ.

Một trong những nội dung thỏa thuận trong hợp tác quốc tế vừa qua là việc chuyển giao công nghệ từ các nước mà hội đã ký như Đài Loan, Hàn Quốc, Ucraina,… bởi khả năng chuyển giao công nghệ của họ rất thuận lợi và họ sẵn sàng hợp tác với hội, nhưng hội lại chưa sẵn sàng để tiếp nhận và chưa có nguồn tài chính để hỗ trợ cho việc chuyển giao công nghệ nên vẫn còn chưa triển khai được trong thực tế. Nhiệm kỳ này hội sẽ phải làm tốt hơn những việc đó, có thể không cần thiết phải kí thêm nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác nữa mà phải tổ chức triển khai những nội dung đã thỏa thuận để một số nội dung ấy trở thành sản phẩm cụ thể cho các ngành kinh tế của Việt Nam.

PV: Hội TĐH có nhiều hội viên là các nhà khoa học, doanh nghiệp. Họ là lực lượng nòng cốt trong thực hiện các mục tiêu đề ra của hội. Giải pháp nào để phát huy hiệu quả nguồn lực này, thưa ông?

Ông Nguyễn Quân: Phát triển hội viên là chủ trương được nhấn mạnh trong hoạt động hội. Trong nhiệm kỳ V, Lãnh đạo hội mong muốn phát triển mạnh hơn nữa mảng hội viên tập thể là các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu, các trường đại học song song với việc vẫn tiếp tục phát triển hội viên cá nhân.

Không chỉ ứng dụng kết quả nghiên cứu, hoạt động của hội sẽ song hành với doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, đưa các dây chuyền tự động hóa, các thiết bị công nghệ cao vào trong sản xuất kinh doanh. Ban khoa học công nghệ và Ban doanh nghiệp sẽ thúc đẩy nguồn lực đó.


Lãnh đạo VAA tặng quà tri ân các thành viên BCH khóa IV – Ảnh BTC

Những doanh nghiệp TĐH lớn của hội cũng bắt đầu quan tâm và tham gia BCH như Autotech, Rạng Đông, DKNEC, Hàn Mỹ Việt,… Với các hội viên tập thể là doanh nghiệp cộng với các hội viên tập thể là các viện, trường chiếm tỉ lệ gần như đa số ở trong BCH và BTV, tôi hy vọng sẽ thúc đẩy được hoạt động nghiên cứu trong các viện trường, rồi chuyển giao công nghệ từ các viện trường ra cho doanh nghiệp, cũng như tổ chức đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp sẽ có không khí mới.

Hy vọng các ban của Hội trong nhiệm kỳ này sẽ hoạt động tốt hơn, Ban khoa học công nghệ hầu hết là các giáo sư đầu ngành của trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Nông nghiệp, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP.HCM,… và các viện, trường lớn. Vì vậy, việc tổ chức các hội nghị, hội thảo, tư vấn phản biện cho liên hiệp hội và các Bộ, Ngành sẽ tốt hơn.

PV: Nói đến CNH-HĐH đất nước thì không thể không nói đến công nghệ Tự động hóa (TĐH). Là một hội chuyên ngành về TĐH, trong nhiệm kỳ V này, Hội Tự động hóa Việt Nam sẽ chú trọng những hoạt động nào để góp phần vào sự nghiệp CNH-HĐH của đất nước, thưa ông?

Ông Nguyễn Quân: Công nghệ TĐH được tích hợp của rất nhiều công nghệ khác trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN). Người ta hay nói đến Big Data, Blockchain, IoT, AI,… thế nhưng cần lưu ý TĐH là công nghệ tích hợp tất cả những công nghệ đó, kể cả công nghệ vật liệu, phần mềm điều khiển, phần cứng, điện tử, viễn thông, robot, cơ khí chính xác,…

Tuy nhiên, để phát triển TĐH cũng rất phức tạp, nếu các lĩnh vực như công nghệ robot, phần mềm, trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, Blockchain, IoT không phát triển thì TĐH cũng rất khó phát triển.

Chính vì thế, trong nhiệm kỳ này giải pháp đầu tiên là tập hợp được đội ngũ chuyên gia giỏi về tất cả lĩnh vực công nghệ chủ yếu của CMCN 4.0. Sau đó, hội phải xác định được loại hình doanh nghiệp nào, địa phương nào cần giải pháp công nghệ gì nhằm tiếp cận chuyển giao công nghệ và sử dụng đội ngũ chuyên gia của hội để hỗ trợ.

Ngoài ra, hội phải đóng vai trò tuyên truyền, phổ biến để các doanh nghiệp thấy cần phải áp dụng công nghệ TĐH, các nhà khoa học phải nghiên cứu từ nhu cầu của doanh nghiệp khi họ đổi mới công nghệ. Nhà nước hỗ trợ cho các hoạt động của hội như thế nào và ngược lại hội tư vấn phản biện ra sao trong việc xây dựng cơ chế chính sách, tất cả những việc đó trong nhiệm kỳ này hội phải quan tâm thúc đẩy.

PV: Nhiệm kỳ IV ngoài các thành tích đã đạt được, hẳn ông còn có những trăn trở và quyết tâm thực hiện trong nhiệm kỳ V?

Ông Nguyễn Quân: Nói về những tồn tại, khó khăn trong nhiệm kỳ IV thì có thể tập trung vào:

Một là, chất lượng hoạt động của BCH và BTV bị hạn chế, số lượng đông quá nên mỗi lần tổ chức hội nghị hay họp để thông qua một quyết định rất quan trọng thì thường không đủ số lượng cần thiết. Thứ hai là hoạt động không đều tay, có những người rất tích cực nhưng có những người cả một nhiệm kỳ không tham gia vào công việc gì nên sức mạnh của BTV, BCH bị suy giảm rất nhiều.

Hai là, vai trò của hội trong chuyển giao công nghệ và kết nối giữa viện trường với doanh nghiệp vẫn còn yếu vì nhiệm kỳ IV vừa rồi mới manh nha việc đó, thành lập Trung tâm Tìm kiếm và Phát triển công nghệ (TSDC), tìm kiếm các hội viên từ các viện trường và doanh nghiệp thì mới là bước đầu nên kết quả của việc đó chưa được thấy rõ và cũng chưa làm được nhiều.

Ba là, hội vẫn còn gặp khó khăn về mặt tài chính để hỗ trợ cho hoạt động của hội. Hội phí thì hầu như không thu được, kể cả hội phí cá nhân lẫn hội phí tập thể. Muốn tổ chức một hoạt động, ngay cả sự kiện quan trọng, hội không có sẵn nguồn tài chính nên vẫn phải dựa vào sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp rất nhiệt tình như Rạng Đông, Vietfair, Hàn Mỹ Việt,…

Với 3 khó khăn trên, trong nhiệm kỳ tới hội sẽ giải quyết bằng những giải pháp củng cố tổ chức, phát triển các ban chuyên môn, lo tài chính, kết nối viện trường, làm sàn giao dịch, tổ chức hội nghị hội thảo. Tôi tin là với BCH mới tương đối tinh gọn và tâm huyết sẽ làm được 3 việc này.

PV: Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Thực hiện (Trà Giang- Thu Trang)