Dự án phát triển robot "thi đại học" của Fujitsu

17/Thg9/2012 14:07:56

artificial-intelligence_500x341


Fujitsu Ltd. đang đánh cược rất lớn vào một trí óc nhân tạo, đủ thông minh để giành điểm số cao nhất qua đó có thể lọt vào trường Todai - tên gọi khác của đại học Tokyo. Phản hồi với cuộc thử thách "Can a Robot Pass the Todai Entrance Exam?" (Liệu một chú robot có thể vượt qua kì thi đầu vào của Todai hay không?), hôm thứ 2 vừa qua, bộ phận thí nghiệm của Fujitsu -Fujitsu Labs đã công bố hợp tác với viện công nghệ quốc gia Nhật Bản (NII) nhằm phát triển một chú robot có thể hoàn thành bài kiểm tra với kết quả tốt nhất.

Dự án trên được NII khởi động từ năm ngoái nhằm mục đích tạo ra một bộ não nhân tạo có thể đạt điểm cao tại kì thi tuyển sinh đại học trên toàn quốc trong vòng 4 năm. Đến năm 2021, NII mong muốn có thể thách thức kì thi của Todai và thậm chí là nhiều kì thi "khó nhằn" khác. Giống như mọi trường đại học chính quy tại Nhật, Todai đòi hỏi thí sinh phải tham gia cả cuộc thi tuyển sinh đại học tổng quát do Trung tâm khảo thí tuyển sinh đại học quốc gia giám sát và kì thi riêng do chính trường tổ chức. Tổng điểm số 2 kì thi sẽ xác định việc đậu hay rớt.

Học sinh sẽ bị "nhồi sọ" với rất nhiều môn bao gồm lịch sử thế giới, nghiên cứu xã hội học, hóa học, vật lý, đại số, lượng giác học và một loạt các ngoại ngữ. Fujitsu sẽ làm việc với NII để tăng cường kĩ năng giải toán của robot - một trong những môn bắt buộc trong kì thi Todai, không cần biết thí sinh đăng ký ngành nào.

Theo Fujitsu, dự án sẽ mang lại hơi thở mới vào những chủ đề tranh luận về trí thông minh nhân tạo. Cuộc chơi không chỉ dừng lại ở bài kiểm tra Todai, nó sẽ "cho phép mọi người sử dụng dễ dàng các công cụ phân tích toán học phức tạp nhằm mở ra những giải pháp cho hàng loạt các vấn đề thực tế."

Hiển nhiên là trong thời đại của những siêu máy tính và robot thông minh, vẫn có những cỗ máy có thể thực hiện những phép toán phức tạp hơn rất nhiều so với những hàm số bậc 2. Fujitsu cũng là chủ sở hữu siêu máy tính K - một trong những cỗ máy tính toán mạnh nhất thế giới. Với khả năng thực hiện hơn 8 triệu tỉ phép tính mỗi giây, siêu máy tính K có thể giải quyết các vấn đề phức tạp như thay đổi khí hậu và mô hình thời tiết. Tuy nhiên, thử thách vần còn đối với các nhà nghiên cứu trí thông minh nhân tạo. Nếu mọi việc trôi chảy, robot Todai sẽ không chỉ là một cỗ máy giỏi toán mà thêm vào đó, nó sẽ học được những kĩ năng giải quyết vấn đề từ các bài toán cấp phổ thông.

Để đạt được điều này, các nhà khoa học cho biết họ sẽ phát triển những phương pháp phiên dịch công thức toán theo hiểu biết của con người sang một cách thức để robot có thể xử lý. Cụ thể, robot sẽ có thể phân tích các từ lẫn lộn với kí hiệu toán học, nhận biết các thành phần của công thức và tìm kiếm mối tương quan giữa chúng, sau đó tiến hành giải ra đáp số. Thêm vào đó, quy trình còn mở ra những tùy chọn để bộ não nhân tạo của robot có thể cân nhắc và đưa ra lời giải thực tế.

Quy trình là một sự chọn lọc từ rất nhiều vấn đề trong công nghệ trí thông minh nhân tạo được phát triển từ trước đến nay, chẳng hạn như khả năng tóm tắt văn bản và phân tích ngữ pháp. Fujitsu cho biết mục tiêu của dự án là dùi mài các thành tố này và sau đó tích hợp chúng vào các tình huống giải quyết vấn đề trong thế giới thực. Chẳng hạn như robot có thể sẽ giúp các nhà sản xuất xác định những tùy chọn cắt giảm chi phí khác nhau, đại diện Fujitsu nói.

Fujitsu cho biết robot hiện tại đã có thể giải quyết hơn 60% các câu hỏi toán học trong bài thi tuyển sinh đại học toàn quốc. Nhưng các cuộc thi đầu vào của Todai sẽ khó hơn và đòi hỏi robot phải "học" nhiều hơn.

Theo Hiendaihoa.com