Rô-bốt phun thuốc cho cây trồng

17/Thg5/2010 09:39:19

Sau hai tháng vừa chế tạo, vừa chạy thử trong phòng thí nghiệm, mất thêm một tháng đưa ra nhà lưới của trường chạy thử, rô-bốt được hoàn thành. Rô-bốt có cấu tạo ba phần: phần cơ, mạch điện điều khiển và phần mềm với trọng lượng 15 kg, có thể hoạt động được ở cả hai chế độ điều khiển bằng tay hoặc tự động. Ở chế độ điều khiển bằng tay, các khớp quay của rô-bốt hoạt động theo sự điều khiển của người dùng thông qua máy tính. Khi đó, người dùng sẽ đứng ở xa và điều khiển rô-bốt thông qua giao diện máy tính để phun thuốc cho cây trồng theo ý mình. Còn ở chế độ tự động, rô-bốt có khả năng thực hiện việc pha chế liều lượng một cách chính xác và phun thuốc theo chương trình lập sẵn, giúp con người không phải tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Khi hoạt động, rô-bốt có thể tự chạy theo hành trình, di chuyển dọc theo luống cây để phun đều cho các cây khi nó đi qua. Rô-bốt còn có thể được cài đặt để chỉ phun ở một số vị trí cần thiết được chỉ định trước. Ðặc biệt, dù là mô hình rô-bốt phun thuốc sinh học, nhưng nếu thay đổi đầu công tác và chương trình điều khiển cho phù hợp với nhiệm vụ mới của rô-bốt sẽ có được mô hình rô-bốt làm công việc khác như: gắp vật từ vị trí này đến vị trí khác như mong muốn, sơn, hàn... trong công nghiệp.

Nhóm tác giả cũng cho biết, sắp tới họ sẽ tiếp tục nghiên cứu để phát triển rô-bốt thành một dạng rô-bốt thông minh, có thể tự nhận biết cây trồng nào, khu vực nào đang bị sâu bệnh, thiếu nước hay cần được chăm sóc để báo về trung tâm và yêu cầu xử lý. Rô-bốt sẽ được trang bị hệ thống cảm biến về mầu sắc, chuyển động, hình ảnh... để thu nhận thông tin và báo về máy tính trung tâm. Trên cơ sở này máy tính sẽ xử lý và phát tín hiệu cần phun thuốc tại vị trí nào, liều lượng ra sao để vòi phun tự thực hiện mà không cần đến điều khiển của con người.

Sáng chế rô-bốt phun thuốc sinh học cho cây trồng thay con người của các sinh viên được nhiều nhà khoa học đánh giá là một sáng chế có ý nghĩa, bảo vệ an toàn cho người lao động, áp dụng kỹ thuật hiện đại hóa vào sản xuất, tăng năng suất sản xuất. Sau ba tháng chạy thử, rô-bốt hoạt động rất ổn định. Công trình được đánh giá cao trong cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ năm 2009 và được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố ứng dụng vào thực tế, giúp ích rất nhiều cho nhà nông.

Theo Nhân Dân