Việt Nam thu hút sự quan tâm của các hãng công nghệ lớn

28/Thg4/2006 10:50:57

Tại buổi gặp gỡ báo giới hôm qua, ông Lionel Lim, Chủ tịch khu vực Nam Á của Sun Microsystems, cho biết, hãng chú ý đến số lượng người sử dụng CNTT ở nhiều ngành khác nhau trong nhiều năm. Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển nhanh và còn tiếp tục phát triển mạnh các năm tiếp theo.

Sun đã khởi động chương trình hợp tác với Chính phủ Việt Nam để đào tạo chuyên gia phần mềm mã nguồn mở với chương trình Solaris, Java. Sun cũng hợp tác với UBND TP HCM lập Trung tâm phát triển nguồn lực doanh nghiệp, liên hệ với các đối tác kinh doanh tại Việt Nam.

Về kế hoạch phát triển tại thị trường này, Sun hướng các đối tác tập trung vào sản phẩm giá trị gia tăng. Sun sẽ chinh phục số đông người tiêu dùng bằng sản phẩm được chuẩn hoá, giá thành thấp và lợi nhuận thu về sẽ tỷ lệ thuận với số người sử dụng.

Ông Lione Lim cho biết thêm, hãng đang triển khai chiến lược "Nối vòng tay lớn" trong thị trường công nghệ. Đây là sáng kiến chia sẻ cơ hội mang tính toàn cầu và hãng dự định tập trung những giải pháp đẩy mạnh tiến độ tiếp cận mạng, góp phần vào sự phát triển kinh tế cũng như tiến bộ xã hội các nước. Đơn cử, Sun sẽ cung cấp bộ phần mềm StarOffice cho các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ hội tụ đủ điều kiện trên khắp thế giới. Cũng theo ông Lionel Lim, Việt Nam hiện là một mục tiêu được chú trọng trong chiến lược trên. 

Ngày 31/7 và 1/8, Sun Microsystems sẽ tổ chức Hội nghị cấp cao Nam Á tại TP HCM với khoảng 120 đối tác, phần lớn là doanh nghiệp ở các nước trong khu vực tham gia. "Gần đây, tốc độ phát triển CNTT của Việt Nam rất nhanh khiến các nước khu vực Nam Á quan tâm. Họ muốn tìm hiểu thêm về nước này. Còn Sun muốn nhân cơ hội đó Việt Nam có điều kiện kết nối với đối tác các nước theo chiến lược 'nối vòng tay lớn' của hãng", ông Lionel Lim, nói.

Giám đốc điều hành marketing châu Á - Thái Bình Dương của Intel, ông Gerry Greeve, cũng cho biết, Intel đang chủ trương tìm hiểu và đầu tư vào một số lĩnh vực liên quan đến công nghệ tại Việt Nam. Hãng đã và đang triển khai các chương trình hỗ trợ Việt Nam nâng cao kỹ năng lực lượng lao động ngành CNTT. Ông Gerry Greeve nhận định, diện mạo ngành công nghệ Việt Nam có sự thay đổi khá nhanh, đặc biệt là mạng Internet công cộng đang rất phổ biến. Đến năm 2008-2009, Việt Nam có thể trở thành thị trường tiêu thụ hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Mới đây, trong buổi ra mắt lãnh đạo mới của Canon ở châu Á, ông Kazuto Ogawa, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành của Canon Singapore, cũng nhận định Việt Nam có ưu thế nhờ nguồn nhân lực trẻ, năng động, chăm chỉ và cầu tiến. Đây cũng là những yếu tố khiến Canon quyết định chọn Việt Nam khi đi khảo sát các nước trong khu vực Nam Á và Đông Nam Á. Hãng này cũng triển khai một chiến lược kép ở Việt Nam, coi đây là địa điểm sản xuất máy in quan trọng và là thị trường chiến lược với các sản phẩm mới.

Thanh Lương