Bài học xuất khẩu gạo: Không chỉ dừng ở chuyện lỗ - lãi

22/Thg6/2006 11:26:24

 

Tháng 3 và tháng 4/2006 là thời điểm cả người nông dân lẫn không ít doanh nghiệp tỏ ra “sốt ruột” nhất. Người nông dân thì cần bán để lấy tiền lo cho mùa vụ mới, doanh nghiệp thì cần những hợp đồng xuất khẩu để quay vòng vốn, để có điều kiện tiếp tục vay vốn ngân hàng. Và hệ quả tất yếu là lượng gạo bán ra tăng mạnh và các doanh nghiệp ồ ạt ký các hợp đồng xuất khẩu với giá thấp kéo theo cả giá gạo tại thị trường trong nước cũng âm thầm giảm mạnh.

Nhìn lại thị trường trong 4 tháng đầu năm có thể thấy một thực trạng đáng buồn là không chỉ những người nông dân mà cả các doanh nghiệp cũng rơi vào tình trạng “bán lúa non”.

Điều này giải thích tại sao trong tháng 1 và tháng 2/2006, giá gạo xuất khẩu Việt Nam đạt mức 258-260 USD/tấn nhưng từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5 giá gạo giảm xuống chỉ còn 240-245 USD/tấn. Tính riêng gạo 5% tấm so với sản phẩm cùng loại của Thái Lan, giá bán của Việt Nam thấp hơn 60 USD/tấn. Mức chênh lệch quá lớn. Mỗi tháng Việt Nam xuất khẩu khoảng 400.000 tấn gạo loại trung bình, nếu giảm 20 USD/tấn số tiền thua thiệt không nhỏ.

Tuy diện tích gieo trồng lúa của Việt Nam liên tục giảm từ năm 1991 đến nay, nhưng nhờ các tiến bộ khoa học được áp dụng, khả năng thâm canh của nông dân được nâng cao trong 5 năm gần đây, mỗi năm sản lượng lúa vẫn tăng trung bình 700.000 tấn.

Dự báo trong năm 2006, nếu không xảy ra mưa bất thường, sản xuất gạo Việt Nam sẽ đạt 38 - 39 triệu tấn, tăng 15,2% - 18,2% so với năm 2005 và xuất khẩu gạo có thể đạt trên 5 triệu tấn.

Viện Nghiên cứu Thương mại

Vậy là, mặc dù tính đến giữa tháng 6/2006, tổng lượng gạo xuất khẩu đã đạt trên 2,24 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2005 nhưng giá trị xuất khẩu chỉ tăng 1,5% với khoảng 626 triệu USD.

Tuy nhiên, mối lo lớn hơn cả lại xuất phát từ sự tăng giá mạnh mẽ. Do nhu cầu nhập khẩu trên thế giới tăng mạnh, đặc biệt là Philipines và các nước Trung Đông, châu Phi tăng lên đã làm cho giá gạo trên thế giới tăng trở lại.

Giá gạo xuất khẩu Việt Nam đã tăng mạnh trở lại từ giữa tháng 5/2006 và tiếp tục tăng gần 20% so với thời điểm cách nay hai tháng. Hiện tại, gạo trắng loại 5% tấm đang có giá từ 260 đến 270USD/tấn, gạo 25% tấm dao động ở mức 250 - 255USD/tấn.

Thị trường gạo xuất khẩu càng thêm nóng khi Việt Nam trúng thầu cung cấp cho Iraq 50.000 tấn gạo 5% tấm với giá lên đến 270 USD/tấn (giá FOB). Giá lúa, gạo trong nước đã tăng theo giá gạo xuất khẩu. Giá lúa đông xuân loại tốt bán ra tại ĐBSCL đã lên tới 2.550 - 2.600 đồng/kg, tăng 400-500 đồng/kg so với giữa tháng trước. Lúa hè thu sớm có giá “mềm” hơn nhưng cũng lên đến 2.350 - 2.450 đồng/kg.

“Tiếc rẻ” là một chuyện, song quan trọng hơn là sự thua thiệt không nhỏ từ những tính toán sai lầm của không ít doanh nghiệp. Dù là khách quan hay chủ quan thì việc thiếu “tầm nhìn xa” đã không chỉ gây thua lỗ cho chính doanh nghiệp đó mà hàng triệu người nông dân phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Với các hợp đồng ký vội giá thấp, hiện nay, các doanh nghiệp đều phải “nghiến răng” chịu đựng khi phải mua gạo giá cao để thực hiện hợp đồng.

Tất nhiên, cũng có những doanh nghiệp mở cờ trong bụng khi giá gạo xuất khẩu tăng cao bởi họ có tiềm lực mạnh nên đã không bị rơi vào cảnh “bán lúa non”, song số doanh nghiệp này không nhiều.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xuất khẩu nông sản, trong thời gian tới sẽ càng có nhiều người lo lắng hơn khi giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ tiếp tục tăng, thậm chí kéo dài đến cuối năm 2006.

Thực chất, bài học này không hể mới bởi ngay trong năm 2005, vì thiếu tính dự báo, không nắm vững giá cả thị trường thế giới nên nhiều doanh nghiệp bị thua lỗ nặng, có doanh nghiệp bị lỗ tới 10 tỷ đồng. Điều quan trọng là, sau những “vấp váp” này, các doanh nghiệp sẽ rút ra được kinh nghiệm xương máu hay vẫn tiếp tục sẵn sàng trả “học phí” quá cao.

Tuy nhiên, cơ hội để rút kinh nghiệm sẽ không còn nhiều khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các doanh nghiệp này sẽ buộc phải tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt, mà nếu không tính toán chính xác, hậu quả sẽ không chỉ dừng ở chuyện lỗ - lãi.