Sàn Giao dịch công nghệ phải trở thành nơi để doanh nghiệp dùng được công nghệ Việt

13/Thg12/2023 14:22:47

Sáng ngày 8/12, Hội Tự động hoá Việt Nam (VAA) họp tổng kết hoạt động của Sàn Công nghệ tự động hóa trong năm 2023, với sự tham dự của hầu hết các thành viên trong Ban điều hành Sàn công nghệ.

Sàn giao dịch Công nghệ tự động hóa được ra mắt ngày 25 tháng 11 năm 2021, trong khuôn khổ sự kiện Khai trương Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và Thiết bị của Cục Thông tin KHCN Quốc gia. Sàn được hình thành với mục tiêu tạo không gian trưng bày, giới thiệu sản phẩm, giải pháp công nghệ của doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức là hội viên của VAA và của các Hội/Hiệp hội nghề nghiệp khác. Đồng thời không gian của Sàn cũng là nơi diễn ra các hoạt động như Cà phê Công nghệ, hội thảo khoa học, tọa đàm doanh nghiệp,… thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ phát triển.

Ngoài các thành viên Ban điều hành Sàn giao dịch, cuộc họp còn có một số đại biểu đến từ các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đóng góp ý kiến.

Tổng kết hoạt động của Sàn Công nghệ trong một năm qua, ông Nguyễn Như Bảo – Chánh Văn phòng VAA, Trưởng Ban điều hành Sàn Công nghệ tự động hóa cho biết: Trong thời gian từ tháng 10/2022 đến nay, Ban điều hành Sàn Công nghệ tự động hóa đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được hơn 10 hoạt động, bao gồm các phiên Cà phê công nghệ, hội thảo. Có thể kể đến như “Hội thảo Hệ thống tự động hóa quản trị doanh nghiệp toàn diện – Nền tảng Chuyển đổi số cho doanh nghiệp sản xuất”, “Hệ sinh thái giao thông và du lịch dựa trên nguồn năng lượng mới”, “Giới thiệu mạng lưới trạm sạc xe điện”, “Một số sản phẩm và giải pháp công nghệ xử lý bề mặt sử dụng bột kim cương”, “ Trí tuệ nhân tạo, cơ hội – thách thức và khả năng ứng dụng trong phát triển kinh tế số Thủ đô”,…

Trong khuôn khổ các hoạt động của Sàn công nghệ, ngày 4/8/2023, Hội Tự động hóa Việt Nam đã ký biên bản hợp tác MOU với Tổ chức Giáo dục trực tuyến FUNiX và nền tảng đạo tạo trực tuyến hàng đầu thế giới Udemy. Đây là mục tiêu VAA đang hướng tới đó là xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực và cấp chứng chỉ hành nghề cho ngành Công nghiệp Tự động hóa; Ngày 16/11 vừa qua, VAA cũng đã ký Biên bản hợp tác với Quỹ Đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Bách Khoa Hà Nội và Công ty TNHH Kết nối giá trị Việt Nam nhằm phát huy thế mạnh của các bên, thúc đẩy hoạt động Sàn Công nghệ phong phú và có sức lan tỏa hơn.

Đặc biệt, từ ngày 16 đến ngày 18/11/2023, Hội Tự động hóa đã phối hợp cùng với Trung tâm Giao dịch thông tin và thiết bị, các Hội/Hiệp hội tổ chức tuần lễ giao thương kết nối các sản phẩm khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo tại không gian của Sàn công nghệ. Trong khuôn khổ chương trình Hội Tự động hóa Việt Nam phối hợp cùng với Chi hội Doanh nhân quốc tế Việt Âu tổ chức Hội thảo “Ứng dụng Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp sản xuất, nông nghiệp hữu cơ”. Buổi hội thảo đã thu hút được gần 100 đại biểu tham gia.

Ông Nguyễn Như Bảo chia sẻ về các hoạt động của Sàn giao dịch trong một năm qua.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Như Bảo cũng cho biết, mặc dù đã có một số hoạt động thiết thực nhưng vẫn chưa được như kỳ vọng, phần vì do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế nói chung, phần do nguồn lực tổ chức chưa được đảm bảo. Ông Bảo đề nghị thông qua cuộc họp này, các thành viên đóng góp ý kiến để năm 2024 có nhiều hoạt động tốt hơn.

Cuộc họp không chỉ tổng kết các hoạt động cuối năm 2023 mà còn đề ra các phương hướng, nhiệm vụ cho năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Giám đốc Trung tâm Giao dịch thông tin, công nghệ và thiết bị thuộc Cục thông tin KHCN Quốc gia (Bộ Khoa học và Công nghệ) đánh giá Hội Tự động hóa và Sàn giao dịch Công nghệ tự động hóa là thành viên hoạt động tích cực, tiêu biểu nhất trong nhóm các Hội, Hiệp hội tham gia vào không gian chung của Sàn giao dịch Thông tin công nghệ và Thiết bị của Cục Thông tin KHCN Quốc gia. Ông Hùng mong muốn trong thời gian tới ngoài các kênh truyền thông khác, Ban điều hành sàn sẽ tăng cường kết nối, liên kết thông tin hoạt động của sàn với kênh truyền thông của Cục thông tin KHCN Quốc gia để lan tỏa rộng hơn hoạt động, thúc đẩy thị trường KHCN. Ngoài ra, thời gian qua Hội Tự động hóa Việt Nam cũng đã ký kết các MOU với các bên liên quan, sẽ cần phát huy ký kết để triển khai ngay các hoạt động trong năm 2024.

Ông Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại cuộc họp.

Đánh giá về hoạt động của Sàn giao dịch, ông Nguyễn Quân – Chủ tịch Hội Tự động hoá Việt Nam cho biết: Trong thời gian qua, Ban điều hành Sàn giao dịch Công nghệ Tự động hoá đã rất cố gắng duy trì hoạt động mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp thành viên, hội viên của Hội tự động hoá Việt Nam đã tích cực đầu tư vào cơ sở vật chất của Sàn, đặc biệt là Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, công ty DKNEC, Công ty Hàn Việt Mỹ,… Các phương tiện truyền thông cũng đã quan tâm đến hoạt động của Sàn giao dịch Công nghệ. Tuy nhiên, các hoạt động này vẫn chưa đáp ứng được mong muốn cũng như kỳ vọng của Hội Tự động hoá nói riêng cũng như thị trường công nghệ nói chung.

Ông Nguyễn Quân cho rằng hiện các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tiếp cận với công nghệ của các nhà khoa học Việt Nam, mà hầu hết chúng ta tiếp cận với công nghệ của tập đoàn, các công ty, tổ chức ở nước ngoài sau đó nhập khẩu công nghệ rồi từng bước làm chủ công nghệ, tiến tới là có thể tạo ra công nghệ của mình để thể thay thế một phần nhập khẩu. Đây là con đường của tất cả các quốc gia còn kém phát triển về khoa học công nghệ, trong đó có Việt Nam. Do đó, ông Nguyễn Quân mong muốn, Sàn giao dịch Công nghệ tự động hoá như một thí điểm triển khai hoạt động và rút kinh nghiệm để mở rộng hoạt động của các Sàn giao dịch khác, không chỉ của Bộ Khoa học và Công nghệ, của các địa phương, các Bộ, ngành, thậm chí là của các tập đoàn để chúng ta có thể nhanh chóng chuyển giao công nghệ. Các doanh nghiệp có thể sử dụng được công nghệ của Việt Nam, làm sao để doanh nghiệp Việt ưu tiên dùng công nghệ Việt Nam và sau đó tiếp cận được với công nghệ của thế giới.

Việc xây dựng Sàn Công nghệ tự động hoá sẽ là nơi để đã trao đổi những vấn đề xung quanh hoạt động sáng tạo công nghệ, ứng dụng công nghệ, đồng thời thông qua Sàn giao dịch Công nghệ tự động hoá các doanh nghiệp, các viện, trường có thể đi đến những thỏa thuận ký kết, hợp tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và tất cả những dịch vụ cần thiết để đưa công nghệ mới, công nghệ cao vào doanh nghiệp.

Để làm được việc đó, theo ông Nguyễn Quân, việc quan trọng nhất là xây dựng nội dung hoạt động của sàn. Phải có định hướng hàng tháng, thậm chí có thể hàng tuần, tổ chức được những sự kiện, toạ đàm, giao lưu, triển lãm nhỏ, những trình diễn công nghệ của các doanh nghiệp, của các viện, trường để chúng ta giới thiệu với công công chúng và doanh nghiệp những công nghệ mới trong lĩnh vực tự động hóa.

Ông Nguyễn Quân hy vọng, sau buổi tổng kết sẽ thảo luận, đóng góp ý kiến, tất cả những mặt tồn tại, yếu kém của sàn sẽ được khắc phục để trong những năm tới hoạt động hiệu quả, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, các nhà khoa học, các viện, trường và đóng góp vào việc hoàn thiện thị trường công nghệ thông qua các kinh nghiệm hoạt động của sàn. Từ đó có những giải pháp, kiến nghị với các Bộ, ngành, các địa phương cùng chung tay làm tốt các hoạt động của thị trường công nghệ, một trong những thị trường vừa non trẻ, vừa yếu kém nhưng lại rất quan trọng trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay.

Trong khuôn khổ buổi họp tổng kết, Ban điều hành Sàn giao dịch Công nghệ tự động hóa cũng đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp khác nhau của các thành viên tham gia, trong đó có một số ý kiến gợi mở các hoạt động mới, tạo nên hệ sinh thái của Sàn giao dịch. Ban điều hành Sàn cho biết sẽ sớm hiện thực hóa các ý tưởng đó.

Đỗ Phương – Bảo Hà