Bản tin tổ chức phi chính phủ (VNGO) ngày 20/6/2006

21/Thg6/2006 09:13:26

Không thể đặt các hội ra ngoài lề trong việc tham gia chứng nhận hợp chuẩn

Sáng 19/6/2006, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Trợ giúp Pháp lý và Luật Tiêu chuẩn Kỹ thuật. GS Nguyễn Lân Dũng – Phó chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắc Nông đã tỏ ra rất quan tâm đến vai trò của các hội chuyên ngành trong việc tham gia chứng nhận hợp chuẩn. Song thực tế theo ông, hiện các hội đang bị đặt ngoài lề. Về một số điểm trong dự thảo luật này, GS Nguyễn Lân Dũng cho biết là bản thân ông đọc mãi vẫn không hiểu thì người dân làm sao hiểu nổi.(Tuổi Trẻ, Thanh Niên 20/6/2006)

Trợ giúp pháp lý cho người nghèo?

Phát biểu tại Quốc hội về Dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng những người buôn bán nhỏ cũng rất có nhu cầu trợ giúp pháp lý và có quyền được hưởng sự trợ giúp đó của nhà nước. Ông bày tỏ sự băn khoăn vì các trung tâm trợ giúp pháp lý thường ở đô thị. Trong khi người nghèo ở vùng sâu vùng xa lại chiếm số đông. Chỉ riêng việc họ đến được các trung tâm đó thì cũng đã tốn những khoản chi phí không nhỏ. (Thanh Niên 20/6/2006)

Chính thức công bố báo cáo nghiên cứu về tác động của vụ kiện bán phá giá giày mũ da

Ngày 19/6/2006 tại Hà Nội, tổ chức Action Aid Vietnam (AAV) và Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso) đã chính thức công bố báo cáo nghiên cứu về tác động của vụ kiện bán phá giá các loại giày mũ da đối với doanh nghiệp Việt Nam của Uỷ ban Châu Âu (EC). Báo cáo cho thấy, vụ kiện có thể khiến hơn 500.000 công nhân trực tiếp sản xuất và hàng trăm công nhân làm việc trong các ngành phụ trợ lâm vào cảnh thất nghiệp. Action Aid cho rằng các chứng cứ về bán phá giá giày của Việt Nam là chưa rõ ràng. Vì vây, quyết định áp thuế chống bán phá giá là chưa thuyểt phục. Lefaso và Action Aid đã cùng kêu gọi EC có thể không huỷ bỏ được vụ kiện nhưng cần xem xét lại mức thuế một cách thấu tình, đạt lý hơn. (Tuổi Trẻ 20/6/2006)

Thép phế liệu lại được phép nhập khẩu

Theo ông Phạm Chí Cường - Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản gửi Chính phủ về việc nhập khẩu thép phế liệu và trong khi chờ văn bản hướng dẫn, việc nhập khẩu vẫn được thực hiện theo quyết định 03 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ông Cường giải thích, điều đó có nghĩa là các doanh nghiệp vẫn được nhập thép phế liệu trở lại như trước đây.

Công văn cũng cho biết, việc nhập thép phế liệu gặp khó khăn trong thời gian qua là do chưa có văn bản hướng dẫn với Luật Bảo vệ môi trường mà cụ thể là ở điều khoản: “Bộ Thương mại có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định tiêu chuẩn đối với việc kinh doanh của tổ chức, cá nhân nhập khẩu phế liệu”. (Tuổi Trẻ 20/6/2006)

Bộ mặt Hà Nội đang thay đổi tệ hại

Theo nhận xét của KTS Nguyễn Trực Luyện – nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam thì bộ mặt đô thị Hà Nội đang thay đổi tệ hại. Những ngôi nhà kiểu trưởng gia đang mọc lên nhanh chóng, lấn át những công trình mẫu mực. Theo ông, điều này phản ánh tình trạng quản lý và quy hoạch còn tuỳ tiện, chưa hợp lý và cho biết, trước đây bất cứ công trình nào muốn được xây dựng đều phải hỏi ý kiến Hội Kiến trúc sư và Văn phòng Kiến trúc sư trưởng, nhưng bây giờ chúng được mọc lên rất tự phát. Đó là điều đang thực sự huỷ hoại toàn bộ mặt bằng kiến trúc của Hà Nội. (Tuổi trẻ Thủ đô 19/6/2006)

Xuất khẩu ghế gỗ sẽ đạt 445 triệu USD

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, ghế gỗ do Việt Nam sản xuất hiện đã thâm nhập thị trường 80 nước và chiếm 24% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ. Riêng trong quý I/2006, tổng kim ngạch xuất khẩu ghế gỗ đã đạt 119,2 triệu USD và có tới 464 doanh nghiệp tham gia.

Theo dự báo của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2006 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sẽ đạt khoảng 445 triệu USD, tăng 45% so với 2005 và chiếm 22% kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ. (Người Lao Động 19/6/2006)