Bản tin tổ chức phi chính phủ (VNGO) ngày 22/6/2006

22/Thg6/2006 15:07:26

Ban Bí thư ra chỉ thị về tổ chức Đại hội Hội Cựu chiến binh các cấp

Ngày 19/6/2006, Ban bí thư Trung ương Đảng đã có chỉ thị 02/CT-TW về lãnh đạo Đại hội Hội Cựu chiến binh các cấp lần thứ IV nhiệm kỳ 2007 – 2012. Chỉ thị nêu rõ: Từ quý IV/2006 đến cuối năm 2007 là thời gian tiến hành đại hội các cấp để tiến tới Đại hội Hội Cựu chiến binh Việt Nam lần thứ IV. Đại hội IV của Hội Cựu chiến binh Việt Nam sẽ được tiến hành vào quý IV/2007. (QĐND 22/6/2006)

Hội Nhà báo TPHCM kỷ niệm ngày nhà báo và trao giải báo chí 2006

Ngày 21/6/2006, Hội Nhà báo TPHCM đã tổ chức kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam và trao giải báo chí thành phố lần thứ 24 cho 51 tác phẩm của 7 nhóm thể loại đạt giải.

Nhân dịp này, CLB Nhiếp ảnh Báo chí thuộc Hội cũng tổ chức triển lãm ảnh “Chân dung Đồng nghiệp” với 215 tác phẩm tham dự. (Nhân Dân 22/6/2006)

Người ứng cử các chức vụ phải đưa ra cương lĩnh hoạt động của mình

Phát biểu về quá trình lựa chọn và bỏ phiếu tín nhiệm các chức vụ của Nhà nước tại Quốc hội, nhà sử học Dương Trung Quốc - Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Đại biểu tỉnh Đồng Nai cho rằng việc giới thiệu hai để bầu một khi làm nhân sự Thủ tướng là đã từng có, không có gì là mới mẻ và tại sao lại không làm? Theo ông, nên có 2 – 3 người hoặc có thể nhiều hơn nữa. Người ứng cử phải đưa ra các kế hoạch, cương lĩnh của mình để Quốc hội để biết chương trình của người đó như thế nào ngoài diện mạo bên ngoài và các yếu tố được ghi trong lý lịch. Cương lĩnh đó phải được giám sát chứ không phải là hứa rồi để đấy.

Về trường hợp của những người tự ứng cử mà điển hình là ông Cù Huy Hà Vũ ở Học viện Quan hệ Quốc tế vào chức Bộ trưởng Văn hoá Thông tin theo ông là rất đáng hoan nghênh. Xu thế do Trung ương giới thiệu nay không còn phù hợp nữa nhưng muốn việc tự ứng cử trở thành hiện thực thì phải có sự thay đổi. (Tiền Phong 22/6/2006)

Đà Nẵng: Ra quân chương trình “Tiếp sức mùa thi 2006”

Sáng 20/6/2006 tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT, Hội Sinh viên Việt Nam, báo Thanh Niên và Công ty Bút bi Thiên Long đã tổ chức lễ ra quân chương trình tình nguyện “Tiếp sức Mùa thi 2006”. Năm nay, Đà Nẵng huy động hơn 750 sinh viên, thanh niên tình nguyện tham gia chương trình này (tăng 150% so với 2005). (Thanh Niên 22/6/2006)

40 doanh nghiệp phần mềm hướng đến thị trường Nhật Bản

Theo Hội Tin học TPHCM, hiện đã có khoảng 40 doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hướng đến thị trường Nhật Bản trong đó có những doanh nghiệp đã gặt hái được một số thành công. Có được những kết quả đó là do nhiều yếu tố trong đó có vai trò của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO). (Lao Động 22/6/2006)

Hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ học nghề và tạo việc làm cho người tàn tật

Năm 2006 là năm thứ hai Trung ương Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi Việt Nam triển khai dự án dạy nghề từ chương trình mục tiêu quốc gia với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Sau 6 tháng thực hiện, đã có 823 người ở 14 tỉnh, thành hội được học nghề và đã có 311 người có việc làm ổn định. Các cấp hội đã hỗ trợ cho 45 người và gia đình vay vốn sản xuất, cấp 3.761 xe lăn, xe lắc… (Nhân Dân 22/6/2006)

 

Bến Tre: Hội Điều dưỡng TPHCM tặng nhà tình thương cho người nghèo

Ngày 21/6/2006, lãnh đạo Hội Điều dưỡng TPHCM đã đến trao tặng căn nhà tình thương cho bà Trần Thị Năm 66 tuổi ở xã Hưng Khánh Trung, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. Bà Năm là vợ của một liệt sĩ trong ngành y tế của tỉnh. (Thanh Niên 22/6/2006)

Ngành giấy Việt Nam đang lệ thuộc vào bột giấy nhập

Theo ông Vũ Ngọc Bảo - Tổng thư ký Hiệp hội Giấy Việt Nam, hiện ngành giấy đang phải nhập tới 55% nguyên liệu bột giấy và năng lực sản xuất trong nước mới chỉ cung ứng được 70.000 – 80.000 tấn bột giấy/năm. Trung khi đó tại đảo Hải Nam của Trung Quốc, có cả một dây chuyền sản xuất bột giấy với công suất 1 triệu tấn/năm đã đi vào hoạt động từ năm 2004. Nếu như được đầu tư 400 – 500 triệu USD, chắc chắn Việt Nam sẽ hoàn toàn chủ động về bột giấy và còn dư để xuất khẩu. (Công nghiệp Việt Nam 21/6/2006)

Có nên thành lập Hiệp hội Chuyển phát nhanh Việt Nam?

Cả nước hiện có hơn 70 doanh nghiệp đang khai thác dịch vụ chuyển phát nhanh trong đó có 4 doanh nghiệp chiếm thị phần lớn nhất là VNPT, Viettel, Saigon Postel và liên doanh TNT Vietrans. Bên cạnh đó, còn có sự góp mặt của các hãng chuyển phát nhanh quốc tế như DHL, Fedex, UPS… và thị trường này đang tăng trưởng bình quân 30%/năm. Trước sự phát triển của thị trường này, đã có những ý kiến cho rằng cần phải thành lập hiệp hội để cùng thống nhất về giá, chia sẻ thông tin thị trường…

Bà Trần Thị Ngọc Bình – nguyên Thứ trưởng Bộ BCVT và hiện đang là Chủ tịch HĐQT của Saigon Postel nhìn nhận, ý tưởng thành lập Hiệp hội Chuyển phát nhanh Việt Nam là tốt và cần phải xem xét đến tính khả thi  cùng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ của Nhà nước trong quá trình hoạt động. Thành lập hiệp hội mới chỉ là bước đầu nhưng để hoạt động có hiệu quả và duy trì được nó mới là khó… (Bưu điện Việt Nam 22/6/2006)

Làm gì để ngành dệt may Việt Nam cạnh tranh được với Trung Quốc

Ngành dệt may Việt Nam đang phải cạnh tranh với Trung Quốc và khi gia nhập WTO thì áp lực cạnh tranh lại gia tăng nhiều hơn. Trước thực tế đó, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã định hướng các doanh nghiệp phải sản xuất những sản phẩm chất lượng cao và có giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Ân - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam thì thực tế của việc thực hiện của các doanh nghiệp là quá chậm và chỉ mong rằng 30% các doanh nghiệp thực hiện được là tốt rồi.

Vẫn theo ông Ân thì các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Đài Loan vì họ đã tìm ra những mặt hàng độc đáo để đầu tư sản xuất và tìm thị trường. Đó là những sản phẩm với tính khác biệt cao, sản lượng thấp và giá bán cao hơn hẳn các sản phẩm phổ biến. (Bưu điện Việt Nam 22/6/2006)

Phải có tầm nhìn vĩ mô với ngành chăn nuôi gia cầm

Theo TS Trần Công Xuân - Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia cầm Việt Nam, hiện việc chăn nuôi công nghiệp, chăn nuôi gia cầm tập trung của cả nước mới chỉ chiếm trên 1% và hầu như chưa có chăn nuôi tự động hoá. Còn về giết mổ gia cầm, khó khăn lớn nhất  là phải thay đổi tập quán ăn gia cầm tươi sống sang ăn gia cầm đông lạnh. Những cơ sở giết mổ tập trung hiện đều thua lỗ do đầu tư lớn và giá thành đến với người tiêu dùng còn cao. Trong khi đó, việc giết mổ thủ công lại có giá cả rất thấp nên cuộc cạnh tranh giữa hai hệ thống là không cân sức. Tuy nhiên, nếu không tập trung, đầu tư cho giết mổ công nghiệp thì nguy cơ lây nhiễm dịch là rất cao. Thực tế bất cập là trong khi chưa phát triển được việc giết mổ tập trung thì có nơi lại cấm giết mổ tự do khiến người có sản phẩm không có chỗ bán và người muốn ăn thì không có chỗ mua. Vì thế, ông cho rằng cần phải có tầm nhìn, tầm nhìn vĩ mô với ngành chăn nuôi gia cầm. (Khoa học & Phát triển 22/6/2006)