Bản tin tổ chức phi chính phủ (VNGO) ngày 28/6/2006

28/Thg6/2006 14:19:45

Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm thành lập

Chiều 27/6/2006, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã tổ chức buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 40 năm thành lập (1966 – 2006). Thành lập năm 1966, đến nay Hội có 22 cấp tỉnh hội, thành hội, 20 chi hội trực thuộc và 3 hội chuyên ngành. Trong thời gian tới, ngoài việc phối hợp hoạt động với các cơ quan nghiên cứu khoa học, Hội cũng sẽ đổi mới tư duy để sử học tiếp cận được đối tượng nghiên cứu một cách trung thực, chính xác, rút ngắn hiện thực khách quan và nhận thức.

Tối cùng ngày tại Nhà hát lớn, Hội đã tổ chức chương trình giao lưu “Doanh nhân với Doanh nhân” và khởi động việc đúc tượng đồng Hưng đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Sau 10 năm phát động chương trình “Mỗi người một giọt đồng đúc tượng danh nhân” đã có hàng trăm bức tượng đồng của 55 danh nhân được đúc. (Hà Nội mới, SSGP 28/6/2006)

Hội thảo báo chí và sở hữu trí tuệ

Sáng  27/6/2006, Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ KHCN và Hội Nhà báo Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Báo chí và vấn đề quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam" để giúp các nhà báo tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này trước khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO.

Trong các vấn đề cần được thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tác phẩm bảo chí cũng là một nội dung quan trọng được bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu Trí tuệ có hiệu lực từ 1/7/2006. (Hà Nội mới 28/6/2006)

Kết thúc Trại sáng tác Văn học Trẻ 2006

Liên hiệp các hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam vừa kết thúc Trại sáng tác Văn học Trẻ 2006 tại hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc) với sự tham dự của 15 tác giả trẻ miền Bắc và Tây Nguyên. Trong các tác phẩm được chỉnh lý và hoàn thành nhân dịp này, các tác giả đã cố gắng mở rộng đề tài và hướng vào nhiều vấn đề nổi cộm của đời sống xã hội, phản ánh sự thay đổi của đồng bào thiểu số. Kết quả của các trại viên là 7 tập thơ, 53 bài thơ lẻ, 35 truyện ngắn, 5 bút ký và một số chương tiểu thuyết đã ra đời. (Nhân Dân 28/6/2006)

Tiền Giang: Thành lập liên doanh với Việt kiều

CLB Doanh nhân Việt kiều (OV Club) sẽ phối hợp với các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang để thành lập công ty tài chính nhằm thực hiện các dự án đầu tư tại tỉnh này. Liên doanh sẽ có tên là Cty Cổ phần Phát triển Tài chính Mekong (MDF) với số vốn điều lệ 5 tỷ đồng và 30% vốn là của các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang. Dự án đầu tiên mà MDF tham gia là thành lập một trung tâm dạy nghề. (TBKTVN 28/6/2006)

Thẩm định về game “Thời Loạn”: Các chuyên gia cố vấn cũng tù mù

Như tin đã đưa, ngày 14/6/2006, Ban tổ chức cuộc thi VietGames 2006 đã mời các chuyên gia từ Bộ BCVT, Bộ KHCN và Công ty luật Gia Phạm giúp thẩm định nghi vấn game online “Thời Loạn” đã giành giải nhất cuộc thi có “đạo game” nước ngoài hay không.

Chiều 27/6/2006, ông Phạm Tấn Công - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA) đã có buổi gặp gỡ báo chí với sự tham gia của các ông Nguyễn Trọng Đường (Bộ BCVT), Hoàng Anh Tú (Bộ KHCN) và luật sư Phạm Thành Long (Công ty luật Gia Phạm). Ông Công cho biết, đây là trường hợp đầu tiên về game liên quan đến phần mềm nguồn mở tại Việt Nam và thời gian 10 ngày qua chỉ đủ cho các chuyên gia tư vấn giành thời gian nghiên cứu những văn bản quốc tế để nắm được những vấn đề cụ thể cần xác minh. Ônng cũng cho biết, ngày 4/7/2006, nhóm tư vấn sẽ có văn bản chuyển cho Ban tổ chức cuộc thi VietGames 2006 và đây sẽ là cơ sở quan trọng để đưa ra kết luận cuối cùng.

Tuy nhiên, chính các chuyên gia tư vấn cũng đang tỏ ra lúng túng trong việc thẩm định và theo ông Hoàng Anh Tú thì nếu nhóm Trangenix sử dụng PMNM cho game “Thời Loạn” có giấy phép GNU thì tất cả những gì nhóm này phát triển thêm khi đưa ra sản phẩm đều phải công bố mã nguồn cùng với giấy phép GPL. Vì thế, để có kết luận cuối cùng theo ông Công , nhóm tư vấn phải xác định hành vi mang sản phẩm đi thi của Trangenix có phải là chuyển giao sản phẩm hay không. Trong khi đó, luật sư Phạm Thành Long cho biết là ông vấn chưa rõ khái niệm “chuyển giao theo giấy phép GPL cho bên thứ ba là gì và cũng chưa rõ việc nhóm Trangenix mang sản phẩm đi dự thi theo hình thức nào. Chính ông Công cũng thừa nhận là ngay cả các cán bộ của VINASA cũng còn lờ mờ về giấy phép GPL và chính nhờ sự việc này thì họ mới hiểu thêm về các loại giấy phép PMNM. Tuy nhiên, ông nói: “Sau vụ việc game “Thời Loạn”, ngành công nghiệp game Việt Nam sẽ có cơ hội đi đúng hướng hơn”. (Tiền Phong 28/6/2006)

Hội thảo về môi trường và định hướng kinh doanh xây dựng

Ngày 6/7/2006, Hiệp hội Tư vấn Xây dựng Việt Nam sẽ tổ chức hội thảo “Môi trường kinh doanh và định hướng cho các doanh nghiệp tư vấn khi hội nhập”. Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích cung cấp các thông tin về hội nhập quốc tế, xúc tiến thị trường và nhằm đề xuất tạo lập môi trường pháp lý ổn định, tiếp cận thông lệ quốc tế.

Trong khuôn khổ hội thảo, các doanh nghiệp tư vấn xây dựng còn có cuộc toạ đàm với các cơ quan chức năng để thảo luận về Luật Xây dựng, chứng chỉ hành nghề, định mức cho phí tư vấn, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp… (Đầu Tư 28/8/2006)