Cá tra, ba sa Việt Nam có triển vọng vào các thị trường khó tính

20/Thg6/2006 10:28:46

Hiện nay tỉnh An Giang có sản lượng cá tra, ba sa lớn nhất ĐBSCL, tuy nhiên khả năng phát triển của một số tỉnh khác trong vùng cũng không nhỏ, có thể vượt qua An Giang, vì sự phát triển này có đầy tiềm năng. Với nhu cầu thị trường thế giới đang tăng, ĐBSCL vẫn còn khả năng tăng sản lượng lên cao hơn nữa. Nhưng tăng sản lượng cũng có nghĩa là gây ô nhiễm môi trường. Phải làm gì khắc phục tình trạng môi trường ngày càng xấu đi và đáp ứng được tiêu chuẩn mới về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm trong giai đoạn hội nhập kinh tế thế giới?

Đảm bảo vệ sinh an toàn sản phẩm

Ông Nguyễn Hoàng Việt -Trưởng Ban điều hành sản xuất và tiêu thụ cá tra, ba sa Việt Nam - Bí thư tỉnh ủy An Giang cho biết trong định hướng phát triển sắp tới tỉnh An Giang cũng như toàn vùng ĐBSCL phải tìm ra biện pháp phát triển sản phẩm đầy triển vọng này một cách bền vững.

Vẫn theo ông Việt, hiện nay có hai vấn đề lớn cần giải quyết để đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Một là, vấn đề vệ sinh môi trường và an toàn chất lượng sản phẩm. Hai là, sự liên minh liên kết giữa những người nuôi và nhà chế biến, xuất khẩu, cũng như là sự liên kết của toàn vùng ĐBSCL. Hai vấn đề này đã được thảo luận tại Hội thảo "An toàn chất lượng sản phẩm cá tra, ba sa Việt Nam đáp ứng yêu cầu thị trường thực phẩm thế giới" do Bộ thuỷ sản và các tỉnh trong vùng tổ chức.

Với những điều kiện về an toàn thực phẩm do các nước nhập khẩu đặt ra đã đặt ngành sản xuất chế biến cá tra, ba sa Việt Nam trước thách thức mới. Ngoài ra, những khó khăn khi tham gia chương trình về chất lượng thì vấn đề về nhận thức, trình độ hiểu biết, quản lý về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm thời hội nhập WTO còn nhiều hạn chế, các hệ thống quản lý chất lượng đa dạng, thay đổi tuỳ thuộc vào thị trường khách hàng, mỗi thị trường có tiêu chuẩn rất khác nhau, tiêu chuẩn cho cá tra, ba sa đến nay vẫn chưa có sự thống nhất giữa các DN.

Ông Ngô Phước Hậu - Tổng GĐ Cty AGIFISH cho biết, đầu năm 2006 đến nay, sau khi Việt Nam chuẩn bị tương đối tốt các vấn đề về quản lý chất lượng, từ ao nuôi đến bàn ăn, nên công tác xuất khẩu sản phẩm cá tra, ba sa tiếp tục được mở rộng, Việt Nam đã có thị phần ở châu Âu rất đáng kể và đây được xem là thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Trong quí I/2006 Việt Nam đã có thêm 2 thị trường mới là Nga và Ba Lan. Chỉ riêng tháng 4/2006, Nga đã nhập 7.400 tấn phi lê, Ba Lan nhập hơn 2.600 tấn. Hai thị trường này phát triển rất nhanh, nhưng đã có báo hiệu về chất lượng mà chúng ta phải hết sức thận trọng. Hiện đã có sự phản hồi, một số lô hàng vào thị trường này đã có những vấn đề khiếu nại về chất lượng.

Chúng ta lại có thêm một bài học nữa về chất lượng sản phẩm, mà nếu không tôn trọng thì sẽ trả giá rất là đắt. Đó là sản phẩm bị trả lại hoặc là thị trường bị mất đi. Do vấn đề chất lượng mà Việt Nam đã mất thị trường Canada, năm nay thị trường Nga, Ba Lan phát triển rất tốt nhưng cũng đang có dấu hiệu chững lại.

Muốn phát triển phải theo thông lệ quốc tế

Vẫn theo ông Hậu, hiện nay các DN đã thống nhất kiến nghị: đặc biệt khuyến cáo người nuôi cá cộng tác chặt chẽ với DN để xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, chất lượng ổn định, đạt tiêu chuẩn quốc tế không bị nhiễm dư lượng thuốc kháng sinh và các hoá chất bị cấm. Hiện nay đây là vấn đề hết sức bức xúc, các ngư dân khi nuôi cá phải gắn kết tham gia vào hộ nuôi cá sạch để tránh lặp lại những cuộc khủng hoảng thừa do chất lượng cá kém mà bà con ngư dân đã từng trả giá.

Theo ông Ngưyễn Hữu Dũng, Tổng thư ký VASEP, hiện Việt Nam đang ở vị trí thứ tư trên thế giới về nuôi trồng thuỷ sản và vị trí thứ tám về xuất khẩu thuỷ sản. Nhưng đang đứng trước câu hỏi: Chúng ta đợi người ta đặt ra tiêu chuẩn để làm theo hay chúng ta tự đặt ra những tiêu chuẩn đáp ứng yêu cầu thị trường? Nếu muốn mãi xuất khẩu những sản phẩm thô, nguyên liệu thì chúng ta chỉ cần làm HACCP là đủ, nhưng nếu muốn bán các sản phẩm cao cấp cho các hệ thống siêu thị, chắc chắn chúng ta không chỉ làm HACCP mà phải làm điều mà các nhà nhập khẩu muốn.

Hiện nay EUREP - GAP chưa có tiêu chuẩn cho cá tra, ba sa nhưng họ đã có tiêu chuẩn chung một bậc cho thuỷ sản nuôi. Do đó, chúng ta phải cùng với họ xây dựng tiêu chuẩn riêng cho cá tra, ba sa đáp ứng tất cả các yêu cầu của EUREP-GAP và ATC. Vấn đề của Việt Nam là hiện nay chúng ta đang đứng chỗ nào trong quá trình đáp ứng yêu cầu thị trường quốc tế. Do đó chúng ta cần chủ động tích cực đi sớm hơn chứ không đợi người ta đặt hàng rồi mới  đáp ứng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Việt, Việt Nam hoàn toàn có cơ sở và có đủ khả năng vượt qua những rào cản, những thách thức trên thị trường thế giới, với điều kiện tiên quyết là phải có là sự liên kết giữa người nuôi với nhà chế biến, áp dụng những thành tựu mới nhất của khoa học cũng như sinh học, bắt đầu từ khâu con giống đến khâu thành phẩm. Hiện tại An Giang cũng như một số tỉnh trong vùng đang bắt đầu đặt ra chương trình nuôi cá sinh thái, tức là nuôi cá sạch, được coi là hướng phát triển cơ bản mà ĐBSCL đang hướng tới.

Ông Việt cho biết, được sự đồng ý của Bộ thuỷ sản, ĐBSCL phải tiến hành quy hoạch lại các vùng nuôi trên các dòng sông. Trong những năm trước tốc độ phát triển chưa cao thì còn chấp nhận được, nhưng với điều kiện phát triển lớn hơn nữa thì chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về môi trường và đặc biệt là hạn chế và đi đến giảm bớt việc nuôi cá trên dòng sông chuyển sang nuôi cá sạch trong ao hồ, tạo nên sự phát triển nuôi thuỷ sản bền vững cho các tỉnh ĐBCSL.