Chủ động đưa công nghệ chiếm lĩnh thị trường

25/Thg4/2007 14:21:16

 

Không để kết quả nghiên cứu trên... bàn giấy

Ts. Hoàng Vĩnh Sinh cho biết, khi thực hiện Đề tài "Nghiên cứu thiết kế chế tạo máy phay CNC 5 trục", năm 2004-2005, Nhóm nghiên cứu đã xây dựng được toàn bộ quy trình thiết kế, chế tạo và lắp ráp máy phay CNC phù hợp với điều kiện Việt Nam. Chế tạo được 2 máy phay, trong đó có 1 máy đã bàn giao cho khách hàng từ tháng 10/2006, đến nay nhận được sự phản hồi rất tốt. Với loại máy này, cho phép gia công những chi tiết có hình dáng phức tạp như tuôc-bin, chân vịt tàu thuỷ, hộp số.

 

So với loại máy có tính năng tương tự nhập từ nước ngoài, máy phay CNC 5 trục do các nhà khoa học Việt Nam thiết kế giá rẻ hơn. "Nếu sản xuất theo lô (từ 10 cái trở lên) giá thành một chiếc máy có thể giảm tới 40%", anh Sinh cho biết.

 

Hiện tại, chưa có nhà sản xuất máy CNC nào thiết lập trạm bảo trì và bảo hành tại Việt Nam. Ngoài ra, khi cần tìm đồ thay thế thì không có sẵn, mất nhiều thời gian để nhập khẩu, thuế nhập khẩu  lại cao. Nếu nhập máy nguyên chiếc, thuế nhập 0%, nhưng mua linh kiện thay thế phải tính thuế nhập từ 10% đến 30%, tùy loại phụ tùng. Những bất lợi này hoàn toàn được loại bỏ khi Việt Nam chủ động được công nghệ chế tạo máy phay CNC.

 

Ông Sinh cho biết thêm: Ngay sau khi 2 chiếc máy phay CNC được chế tạo, bàn giao cho khách hàng sử dụng tốt, Công ty Muto - Nhật Bản đã đặt hàng mua 10 máy, sẽ bàn giao vào cuối tháng 5/2007. Theo đà phát triển công nghiệp như hiện nay, Việt Nam sẽ trở thành nơi sản xuất phụ tùng ô tô, xe máy và phụ tùng cho các thiết bị công nghiệp như Thái Lan hay Trung Quốc. Do vậy, việc đầu tư thiết bị CNC để thay thế cho máy vạn năng là tất yếu. Nhu cầu trang bị CNC từ năm 2007 đến 2010 có thể lên đến hàng tỷ USD. Để sản phẩm nhanh chóng đáp ứng yêu cầu thị trường, nhóm nghiên cứu dự định sẽ xây dựng một nhà máy lắp ráp với khoảng 03 nhà máy chế tạo các thiết bị phụ trợ. Theo tính toán sẽ cần 300.000 USD để thực hiện ý tưởng này. “Đây là số tiền không nhỏ đối với những người chuyên nghiên cứu và giảng dạy như chúng tôi. Không còn cách nào khác, điều chúng tôi cần làm là "gõ cửa" nhà quản lý, doanh nghiệp để kêu gọi sự hỗ trợ”, ông Sinh cho biết.

 

Tìm nguồn đầu tư

Với quan niệm không để kết quả nghiên cứu nằm trên bàn giấy, tạo môi trường để các nhà khoa học tiếp tục phát huy năng lực, anh Sinh đã tới một số doanh nghiệp để kêu gọi đầu tư. Kết quả là có một doanh nghiệp đã nhận đứng ra hỗ trợ toàn bộ khâu đúc thiết bị. Gần đây nhất, anh đã trực tiếp gặp và trao đổi cùng Bộ trưởng Bộ KH&CN đề nghị được hỗ trợ vốn.

 

Được biết, hiện Nhóm nghiên cứu, chế tạo có hơn 10 thành viên, được hoạt động như một công ty trách nhiệm hữu hạn. Các thành viên tham gia hoạt động có lương, thưởng và được đóng bảo hiểm. Để thuận lợi cho việc giao dịch và hợp tác, nhóm nghiên cứu đã lấy tên là BKMech (Trung tâm Cơ-Điện tử Bách Khoa). "Nếu mọi việc thuận lợi, chúng tôi sẽ phát triển và hoạt động như một doanh nghiệp. Tự lực tìm hướng đưa công nghệ nhân rộng, chiếm lĩnh thị trường", anh Sinh tâm sự.

( Báo Khoa học & Phát triển, 04/2007)