Cơ hội xuất hàng nhựa sang Mỹ

15/Thg8/2006 13:15:30

 

Các sản phẩm của Việt Nam rất đơn điệu về kiểu dáng

 

Được biết tháng 6 vừa qua, lần đầu tiên Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) đã tổ chức một đoàn doanh nghiệp sang khảo sát thị trường Mỹ, xin ông cho biết những hoạt động của đoàn trong chuyến đi này?

Đoàn đi có 18 người  thuộc 15 doanh nghiệp vừa và nhỏ trong Nam và ngoài Bắc. Chúng tôi sang Mỹ với mục đích chính là tiếp cận trung tâm xúc tiến thương mại của Việt Nam tại New York; tham gia hội chợ quốc tế NPE 2006 ngành nhựa (diễn ra 3 năm một lần) tại Chicago; tổ chức hội thảo tại Sanfrancisco về ngành nhựa Việt Nam; khảo sát thị trường Mỹ thông qua các Trung tâm thương mại và các đối tác bên đó.

Thưa ông, chuyến đi quả là có mục đích thiết thực, nhưng vì sao hầu hết đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia?

Trước hết doanh nghiệp vừa và nhỏ là lực lượng chủ yếu (90%) cả về sản lượng lẫn giá trị hàng hóa của ngành nhựa. Họ là đối tượng chính được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí cho xúc tiến thương mại, tuy không lớn, nhưng đối với họ là quý giá. Ngoài ra họ ít hoặc chưa có đối tác nước ngoài, tài chính eo hẹp, khó tự tổ chức đi khảo sát thị trường một cách hiệu quả.

Tuy nhiên, trong đoàn vừa qua, cũng có 2 doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu sang Mỹ với doanh số trên 8 triệu USD.

Còn các doanh nghiệp gọi là lớn ít tham gia, cũng dễ hiểu. Có thể một trong các lý do chính là: thời gian đoàn đi dài, thời điểm đi không phù hợp. Họ có đối tác nước ngoài rồi. Đối tác có thể mời, tài trợ và vì kinh phí của họ mạnh hơn nên họ muốn đi lúc nào cũng được, kinh phí hỗ trợ của Nhà nước với họ không quan trọng. Hoặc mặt hàng của họ chủ yếu phục vụ trong nước, khó hoặc không xuất khẩu...

Cần nói thêm, hiệp hội luôn khuyến khích các doanh nghiệp tham gia không phân biệt lớn hay nhỏ. Ai tham gia mới được hưởng kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại, cũng như ai xuất khẩu và có tăng trưởng mới được thưởng xuất khẩu, đó vừa hợp lý vừa công bằng.

Chuyến đi vừa qua đã mang lại hiệu quả như thế nào thưa ông?

Thông qua các hoạt động, đặc biệt là việc phân phát các ấn phẩm, trong đó có cẩm nang thương hiệu, niên giám ngành nhựa Việt Nam, hội thảo ngành nhựa Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và hợp tác đã đặt dấu ấn quan hệ giữa Hiệp hội nhựa Việt Nam với các doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Tại cuộc hội thảo này, đoàn Việt Nam đã giới thiệu thực trạng, chiến lược phát triển ngành nhựa, năng lực sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp nhựa Việt Nam... Các doanh nghiệp Mỹ cũng phân tích cho chúng ta luật lệ kinh doanh của nước họ, hệ thống phân phối, nhu cầu tiêu dùng của thị trường này và đề xuất những gì mà doanh nghiệp Việt Nam cần thực hiện khi muốn xuất hàng sang Mỹ... Họ cũng đã có đơn đặt hàng theo mẫu.

Ông có nhận định gì về thị trường hàng nhựa ở Mỹ thông qua chuyến đi này?

Mỹ là quốc gia thứ 2 đứng sau Nhật, nhập hàng nhựa từ Việt Nam. Đây là thị trường rộng, sức mua lớn nhưng khó tính về chất lượng, mẫu mã và dịch vụ. Hệ thống phân phối lớn: toàn cầu, liên bang, bang và thành phố. Cho nên họ hợp đồng với số lượng lớn và chất lượng ổn định. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam.

Ở Mỹ hầu hết hàng hóa đều “Made in China”, khó có thể tìm được hàng từ nước khác. Thế nhưng điều thú vị khi chúng tôi khảo sát vali giả da tại một siêu thị có tiếng, trong khi giá vali hiệu Samsonite của Trung Quốc sản xuất giá từ 100-200 USD/cái thì 1 cái “Made in Vietnam” có giá 600-800 USD. Chiếc túi xách phụ nữ của Pháp sản xuất giá đến 2.400 USD/cái.

Qua thực tế này, cùng với nhận định của một đối tác Mỹ đã có quan hệ nhiều với Việt Nam, chúng tôi có cảm nhận dường như thị hiếu người tiêu dùng muốn tìm đến cái mới lạ ngoài hàng Trung Quốc. Theo tôi, thị trường Mỹ là thị trường tiềm năng lớn, sản phẩm chủ yếu của ta có thể xuất khẩu sang Mỹ vẫn là bao bì và sản phẩm phục vụ nông nghiệp.

Vậy theo ông, trong thời gian tới các doanh nghiệp Việt Nam nên làm thế nào để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ?

Về mẫu mã, đơn cử túi xách giả da, mũ nón (phụ nữ) ở Mỹ có thể nói hàng trăm, hàng ngàn kiểu dáng, mỗi nơi, mỗi cửa hàng đều khác nhau. Các loại bao bì đựng bánh kẹo, tặng phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ uống, y tế... cũng vậy. Trong khi hàng của ta lại quá đơn điệu.

Do vậy, ngành tạo mốt thời trang và thiết kế mẫu mã công nghiệp nên suy nghĩ và ngành nhựa nên hợp tác với họ. Chất lượng cao, ổn định, mẫu mã phong phú và đẹp, giao hàng đúng hạn, giá hợp lý là điều các doanh nghiệp phải phấn đấu đạt được.

Người tiêu dùng Mỹ đòi hỏi xuất xứ hàng hóa. Vậy thì hàng chất lượng của ta nên có dòng chữ “Made in Vietnam” như Trung Quốc đã làm. Có như vậy họ mới biết và tìm đến Việt Nam, nếu không họ đều cho là hàng của Trung Quốc. Hiệp hội sẽ là cầu nối với đối tác nước ngoài. Nhà nước cần có cơ chế thông thoáng, khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu.

Chúng ta không nên chỉ chờ đối tác đem mẫu đến đặt hàng, hoặc nhái nguyên xi. Trái lại phải năng động, sáng tạo đặc biệt phải kết hợp với thị hiếu, văn hóa của mỗi thị trường để tạo ra mẫu mã của riêng mình. Đó cũng chính là một trong những mục đích của các đoàn khảo sát thị trường để xúc tiến thương mại và xuất khẩu.