Doanh nghiệp KH&CN

14/Thg6/2007 14:17:47

Ở nước ta, việc thành lập DN KH&CN bắt đầu sau khi có Quyết đinh 68/QĐ-TTg ban hành năm 1998 cho phép thí điểm thành lập DN Nhà nước trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu. Tuy nhiên, số DN KH&CN chưa nhiều, chủ yếu thành lập từ một bộ phận của viện, trường. Nhà khoa học ít nghiên cứu vấn đề các doanh nghiệp, các doanh nghiệp trong nước ít cầu thị, thay vì dùng thiết bị trong nước lại sẵn sàng nhập ngoại. Tình trạng này làm cho nền KH&CN nước nhà chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Ngày 5/9/2005, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2005/QĐ-CP “Quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH&CN công lập”. Theo đó, những đơn vị nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và dịch vụ KH&CN tự bảo đảm kinh phí hoạt động thường xuyên, được lựa chọn việc chuyển đổi theo một trong hai hình thức: tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí hoặc DN KH&CN. Những tổ chức chưa tự bảo đảm kinh phí hoạt động cũng phải tự chuyển đổi theo một trong hai hình thức đó.

Thời gian qua, xuất hiện mâu thuẫn về quyền lợi giữa DN “con” và viện “mẹ” trong vấn đề sở hữu trí tuệ với bí quyết công nghệ được tạo ra ở viện “mẹ”, nhưng lại được thương mại hoá ở DN “con”. Viện “mẹ” đang gắp khó khăn do nguy cơ mất dần năng lực nghiên cứu khi DN KH&CN được hình thành và tách khỏi viện “mẹ”. Ngoài ra, đối với mô hình cổ phần hoá, Nhà nước cần đưa ra tỷ lệ thích hợp, việc sắp xếp lao động dôi dư cũng là vấn đề hiện hữu. Đây là những thử thách không nhỏ trên con đường phát triển DN KH&CN.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2007/NĐ-CP với những quy định rõ về việc thành lập, chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với DN KH&CN. Theo đó, các cá nhân, tổ chức Việt Nam, nước ngoài có quyền sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đều có thể xin thành lập DN KH&CN.

Bộ KH&CN đã đặt mục tiêu là đến năm 2010, nước ta có 1000 DN KH&CN và đến năm 2015 là 5000. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này không hề đơn giản mặc dù ưu đãi cho DN KH&CN là rất lớn. Việc các cơ quan nghiên cứu khoa học có dám chuyển sang hoạt động một phần dưới dạng DN KH&CN hay không sẽ quyết định đối với thành công của chủ trương này. Ý của các nhà quản lý là khá rõ nhưng việc thực hiện lại tùy thuộc vào cơ sở, nhất là khi việc “cắt đuôi” hưởng ngân sách còn làm nhiều người băn khoăn.

(Theo Hà Nội mới)