Dùng “3 thứ quân” để tiến công vào khoa học

26/Thg4/2011 07:36:04

Đến nay, Ban biên tập đã nhận được những ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia trong ngành Tự động hóa và các ngành liên quan. Trong số này, tạp chí xin chuyển đến độc giả ý kiến đóng góp của GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc - Chủ tịch Hội Robot Việt Nam.

1. Về phần chung
Phân công nhiệm vụ trong tổ chức hoạt động khoa học
Tiến công vào khoa học không chỉ là nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ nghiên cứu khoa học, mà là của lực lượng cán bộ chuyên môn ở các cơ sở và của đông đảo những người trực tiếp đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Như thế là phải dùng “3 thứ quân” để tiến công vào khoa học. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu có vai trò như đội quân chủ lực. Họ phải có nhiệm vụ chuẩn bị cho những chiến dịch lớn, cho những mũi tấn công chiến lược, cho những đòn quyết định xoay chuyển tình thế.
Lâu nay, các Viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các chương trình cấp Nhà nước lại chủ yếu được giao làm nhiệm vụ của một vài đơn vị sản xuất kinh doanh. Nếu lấy tiền và nhân lực của Nhà nước để hoàn thành được loại công việc này thì thường chỉ có làm tốt thêm công việc riêng của đơn vị đó, chứ chưa thể có tác động xoay chuyển gì đến công việc chung. Mặt khác, đó là sự “trợ giá” bất bình đẳng khi cạnh tranh ngay trong cùng một nhóm ngành ở nội địa và là điều bị ngăn cấm ở WTO.
Nhiệm vụ giao cho đội quân chủ lực này phải là kết quả các công trình nghiên cứu có đầu tư thời gian và tiền bạc của các nhóm cán bộ khoa học hiểu biết chuyên ngành sâu rộng, chứ không phải là sự góp ý qua một vài cuộc họp.
Các cơ sở sản xuất kinh doanh phải chủ động hợp tác (hoặc là thuê mướn) với các cán bộ khoa học giải quyết những vấn đề mà nhu cầu của thị trường cạnh tranh đặt ra.
Điều đáng sửa sai nữa là việc quá xem nhẹ đầu tư phổ biến khoa học, cập nhật kiến thức cho đông đảo những người trực tiếp đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất. Chính mảng việc này, đôi khi có ý nghĩa trọng yếu để kết quả hoạt động khoa học có vào được sản xuất hay không.
Như vậy việc phân công rõ ràng, giao nhiệm vụ hoạt động khoa học cho đúng người, đúng việc để có sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để đạt được mục tiêu cuối cùng là “ứng dụng vào thực tế cuộc sống” có thể là bí quyết thành công như đất nước ta đã từng vận dụng trong các cuộc chiến tranh vĩ đại.

2.  Về phần tự động hóa
Cơ điện tử tạo ra bước ngoặt phát triển robotics và robotics trở thành hạt nhân cho sự phát triển công nghiệp hiện đại
Đặc trưng của sản phẩm công nghiệp hiện đại là linh hoạt hóa để đáp ứng sự biến động thường xuyên của thị trường cạnh tranh. Cơ điện tử là công nghệ tích hợp liên ngành giữa cơ khí, điều khiển điện tử và công nghệ thông tin tạo ra sự chuyển biến về chất với tư duy mới trong tổ chức công nghiệp sản xuất và trong bản thân sản phẩm tạo ra.
Sự phát triển của cơ điện tử hiện đại đã tạo ra bước ngoặt lớn phát triển robotics. Từ những năm đầu thế kỷ XXI này, tỷ lệ đầu tư cho Robot công nghiệp (Industrial Robots - IR), trên thế giới giảm đi trên 30%, riêng Nhật Bản giảm khoảng 60%, nhưng lại tăng rất cao cho Robot dịch vụ (Service Robots - SR) và gần đây còn xuất hiện loại hình mới - Robot cá nhân (Personal Robots - PR). Robot dịch vụ phát triển rất nhanh chóng, rất đa dạng trong các mặt hoạt động đời thường cũng như trong an ninh, quốc phòng. Vấn đề cốt lõi cho sự phát triển các loại robot đó là các thành tựu về robot thông minh.
Trong Robotics có hầu hết các vấn đề của cơ điện tử. Có thể nói robots là hình ảnh thu nhỏ của hệ thống các thiết bị công nghiệp hiện đại. Ở đây đã gặp phải nhiều vấn đề về quan hệ giao tiếp giữa các bộ phận chấp hành cơ khí và hệ thống điều khiển, về sự tương tác với môi trường làm việc v.v.
Điều đó cắt nghĩa tại sao ở nhiều nước công nghiệp tiên tiến các môn học về robotics là bắt buộc trong chương trình đào tạo cơ điện tử ở các trường đại học, cao đẳng kỹ thuật. Trong các khóa học cập nhật kiến thức tại các khu công nghiệp chương trình cũng đều có 2 phần: Phần riêng đề cập đến các hệ thống cơ điện tử ứng dụng trong các nhóm ngành công nghiệp có nhiều người tham gia khóa học và phần chung đề cập đến các nội dung chủ yếu của khoa học công nghệ robot.
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô là ngành sử dụng nhiều robot nhất. Trong thời gian gần đây nhiều thử nghiệm của ô tô cũng tiến hành trên “Robot Wheel chair” (xe ghế robot). Như vậy có thể là để thuận tiện hơn việc trực tiếp thử nghiệm trên ô tô. Nhiều kết quả thử nghiệm trên các “xe ghế robot” đã được ứng dụng nâng cấp các dòng xe ô tô đời mới. Trong đó phải kể đến các kết quả như tự động giữ thăng bằng khi chạy đường vòng đã được áp dụng cho hệ thống trợ giúp lái đường vòng an toàn chống đổ ngã hoặc vận dụng kết quả nghiên cứu về xử lý thông minh để tạo các xe ô tô giao tiếp thân thiện hơn với con người và môi trường v.v. Vì thế rất nhiều hãng ô tô nổi tiếng trên thế giới trong thời gian gần đây hay giới thiệu trình diễn các loại “xe ghế robot” của mình trên truyền hình. Có rất nhiều loại khác nhau và giá chào bán trên Internet gần bằng giá một chiếc ô tô con.
Cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, Cơ điên tử đã hình thành như một lĩnh vực khoa học công nghệ mũi nhọn và robotics đã trở thành hạt nhân kích hoạt cho sự phát triển cơ điện tử và sản xuất công nghiệp.
Trên nhiều diễn đàn quốc tế vai trò của Robotics đã được nhấn mạnh: “Trước đây người ta coi robot là một phương tiện để tiết kiệm chi phí lao động, thế nhưng robotics ngày nay đã đóng vai trò quan trọng hơn trong sản xuất, chúng là một phần của kế hoạch cạnh tranh toàn cầu”.
Có diễn đàn quốc tế còn cho rằng Robotics có vị trí “cứu tinh trong quá trình toàn cầu hóa tăng tốc”. “Hiện nay và hơn bao giờ hết, nhu cầu tồn tại trong cạnh tranh là một động lực quyết định đầu tư cho ngành robotics. Một số chuyên gia cho rằng đầu tư cho robotics là sự lựa chọn tốt hơn cả”.
Tại triển lãm “Robot 2008, What’s Next” ở Boston đã nhận xét: “Công ty nào nhạy bén sớm ứng dụng những thành tựu mới của Robotics thì có nhiều khả năng trở thành công ty đầu ngành”.
GS.Shiller, chuyên gia hàng đầu về robotics của Israel, được giao phụ trách Dự án nghiên cứu tính toán về Mars Rover (robot di động lang thang trên sao hỏa) đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giảng dạy về robotics là để có cơ hội “giáo dục thế hệ trẻ kế tiếp của các kỹ sư Israel tham gia vào cuộc cách mạng trong kỹ thuật phần mềm và cơ điện tử, một cơ hội làm thay đổi tầm nhìn của bạn” và đó là cách “cung cấp nguồn lực cho các kỹ sư tương lai, tiếp nhiên liệu cho cuộc cách mạng kỹ thuật”.
Hàn Quốc đã nhận định rằng: “Robot thông minh có khả năng tiềm tàng để trở thành động cơ phát triển chủ lực của đất nước” và dự kiến là đến năm 2020 các ngành này có thể đem lại gần 100 tỷ USD.
Đúng như nhận xét của Công ty Ford Motor “sự phát triển các khả năng của robot đang mở đường cho chiến lược sản xuất nhiều cơ hội mới. Khả năng “nhìn được” của robot có thể đơn giản việc đầu tư để biến đổi thành hệ thống sản xuất tự động linh hoạt”. Đầu tư cho việc nghiên cứu “robot có thị giác” (Vision - guided
robotics) là để tiếp cận một vấn đề có thể tác động đổi mới, hiện đại hóa hệ thống thiết bị công nghiệp với nhiều tính năng mới.
Như vậy, những dẫn chứng trên đây càng khẳng định quan điểm cần nhanh chóng đầu tư cho vấn đề “robot thông minh” để làm hạt nhân cho sự sáng tạo ra hệ thống thiết bị công nghiệp thông minh và đúng là Robotics đang trở thành nòng cốt cho sự phát triển cơ điện tử và cho ngành công nghiệp.

GS.TSKH Nguyễn Thiện Phúc (Chủ tịch Hội Robot Việt Nam)
Số 118 (8/2010)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay