Hàng điện tử sẽ không giảm giá

17/Thg11/2006 10:57:52

Thị trường hàng điện tử tiêu dùng mấy tháng qua trầm lắng vì người dân mang tâm lý chờ đợi hội nhập WTO để được mua sắm hàng hoá nhập khẩu với giá rẻ hơn. Tuy nhiên, thực tế không như họ mong đợi. Biểu thuế nhập khẩu theo cam kết của WTO thậm chí còn cao hơn so với thuế suất hiện hành của Việt Nam và có mặt hàng còn cao gấp đôi.

Chẳng hạn, đầu DVD và máy MP3 có thuế hiện hành là 40%, thuế WTO là 45%, máy ảnh và máy quay thuế hiện hành là 10% thì thuế WTO là 20%. Chỉ có mặt hàng TV là hai mức thuế này tương đồng ở 40% (Mức thuế hiện hành được hiểu là áp cho các mặt hàng nhập từ các thị trường Mỹ, Nhật và châu Âu).

Mặc dù nhiều hàng điện tử ở tại chính thị trường Mỹ, Nhật, và châu Âu có giá chênh lệch khá lớn với thị trường nội. Nhưng khi chúng về đến thị trường Việt Nam giá bán trở thành cao bởi chi phí vận chuyển và thuế WTO vừa áp đặt.

Như vậy vào WTO người dùng hoá ra không được lợi gì? Câu trả lời lại là họ có được lợi, bởi thuế vốn đã được giảm từ trước. Từ cuối tháng 7, để hướng đến trước thềm WTO, Bộ Tài chính nước ta đã đi trước một bước trong việt đưa ra biểu thuế hấp dẫn tạo điều kiện cho vòng đàm phán và việc hội nhập xuôi chèo mát mái.

Bên cạnh WTO, Việt Nam còn tham gia Hiệp định thương mại tự do Asean (AFTA). Theo đó, thiếu suất nhập khẩu hàng hoá trong các nước Đông Nam Á khi ta hội nhập AFTA lại cực thấp, 0-5%. Và người dùng có thể kỳ vọng rằng hàng điện tử cũng sẽ rẻ hơn khi nhập về từ các nước trong khu vực.

Tuy nhiên, thực chất nhiều mặt hàng hàng điện tử Việt Nam đã rẻ hơn giá tại các nước trong khu vực Đông Nam Á như Singapore, Malaysio và Philippines và chỉ cao hơn Thái Lan chút ít. Nghĩa là hàng điện tử trong nước đã đủ sức để cạnh tranh khi hội nhập với các nước vừa là thành viên AFTA và WTO như Singapore và Thái Lan.

Do đó, có thể nói hàng điện tử Việt Nam sẽ không thể trông mong một cuộc giảm giá ngoạn mục nhờ thuế hạ sau khi vào WTO và AFTA được nữa. Hiện tại, tương lai gần là vậy, kể cả đến hết năm 2008, Việt Nam không có cam kết gì trong việc giảm giá hàng điện tử.

Nhưng trong tương lai xa hơn, từ nay đến năm 2012, chỉ có các mặt hàng như TV, đầu DVD được giảm thuế nhập khẩu đi 5%, và dàn hi-fi là 10% nhưng máy ảnh số lại tăng 5% so với mức thuế hiện hành. Người dùng chỉ được hưởng lợi nhiều nhất về hàng công nghệ thông tin như PC, laptop, ổ và đĩa CD/DVD. Vì thuế suất mặt hàng này sẽ giảm liên tục từ đầu năm 2009, mỗi năm 1-3%, và xuống dần tới mức thuế xuất 0-5% vào năm 2012.

Như vậy, thay vì chờ thuế giảm, người dùng có lẽ sẽ chỉ còn trông đợi vào sự điều tiết giá cả từ chính các hãng sản xuất, khi họ nâng cao hiệu quả sản xuất và giảm chi phí chế tạo, và những chính sách giảm giá để cạnh tranh với các đối thủ hòng giành giật thị phần. Chẳng hạn, với các mặt hàng liên quan đến màn hình LCD, người dùng chỉ có thể chờ đợi việc nhà sản xuất cải tiến kỹ thuật, giảm chi phí chế tạo các linh kiện chủ chốt hòng giá cả xuống thang.

Đặc biệt trong mùa mua sắm cuối năm sắp đến, dự báo sẽ có sự cạnh tranh khốc liệt giữa hãng với nhau. Với kỳ vọng sức mua tăng đột biến, các hãng sản xuất như Sony, Samsung, LG, Panasonic có thể kích thích khả năng mua sắm của người dùng bằng chiến lược “sale off” cho các đại lý cam kết tiêu thụ số lượng lớn, khiến mức giá hạ nhẹ hoặc tung ra các chương trình khuyến mại đầy hấp dẫn, theo ông Vũ Quốc Tuấn, Trưởng phòng đối ngoại, công ty Sony Việt Nam.