Hiến kế cùng Chính phủ đẩy nhanh nhịp độ phát triển kinh tế - xã hội

28/Thg4/2006 10:54:33

Y Hơn (Buôn Đôn, Đak Lắc):

Chúng tôi rất tâm đắc với mười nhiệm vụ chủ yếu Chính phủ đề ra

Cử tri đang sinh sống ở vùng miền núi như chúng tôi rất phấn khởi. Thứ nhất là, hiểu về sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong năm qua, biết những giải pháp lớn mà Chính phủ điều hành trong năm tới; thứ hai là, 10 nhiệm vụ chủ yếu mà Chính phủ đề ra là hợp với lòng dân, nhất là cử tri ở tỉnh Ðác Lắc.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy hầu hết các chỉ tiêu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch, chúng tôi rất mừng, mừng hơn hết là đất nước ta luôn ổn định, cho dù hiện nay vẫn còn những vấn đề tiêu cực cần tích cực ngăn chặn, đẩy lùi... Nhìn chung, ai cũng thấy đời sống đã và đang được nâng lên một bước, trong đó có đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số ở nơi chúng tôi công tác, mà cụ thể là Chính phủ đầu tư xây dựng đường giao thông, trường học để thu hút hầu hết các em học sinh đến trường, đầu tư giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, kéo điện lưới quốc gia về từng thôn, buôn, đến cuối năm 2004, tất cả các xã ở Ðác Lắc đều có điện lưới quốc gia, đây là sự đầu tư rất lớn. Qua đó đời sống đồng bào được cải thiện đáng kể về vật chất và tinh thần. Trong 10 nhiệm vụ chủ yếu mà Chính phủ đề ra cho năm 2005, cử tri chúng tôi tâm đắc về định hướng phát triển ngành và lĩnh vực, mong muốn Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, đầu tư để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn theo hướng tạo ra vùng sản xuất hàng hóa. Ðây là vấn đề hợp lòng dân không chỉ ở miền núi. Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển các vùng kinh tế, chú trọng đầu tư phát triển các vùng nghèo, vùng miền núi, trong đó có Tây Nguyên là những định hướng mà chúng tôi rất phấn khởi, vì định hướng này tạo động lực cho các vùng khó khăn có điều kiện vươn lên trong sản xuất cũng như cải thiện đời sống vật chất và tinh thần. Trong phần về cơ chế, chính sách để thực hiện các mục tiêu, kế hoạch mà Chính phủ đề ra, chúng tôi quan tâm nhất là hoàn thiện các tiêu chí và điều kiện hỗ trợ từ trung ương cho địa phương, bảo đảm đúng mục tiêu và công bằng giữa các vùng...

Trên cơ sở những gì đã đạt được, Chính phủ đề ra những nội dung chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội năm 2005, hy vọng nền kinh tế nước nhà tiếp tục phát triển, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao.

Mai Xuân Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Thương mại Hà Nội:

Doanh nghiệp trong nước hợp sức để cạnh tranh trên thị trường quốc tế


Qua theo dõi Báo cáo do Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, QH khóa XI, cử tri chúng tôi phấn khởi thấy rằng, nền kinh tế nước ta mặc dù có những khó khăn, thách thức như dịch cúm gia cầm, giá cả một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao, thời tiết không thuận lợi nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao.

Các ngành chế tạo cơ khí, đóng tàu, dịch vụ, hoạt động xuất khẩu có nhiều tiến bộ, khẳng định những chủ trương, chính sách của Ðảng đã và đang đi vào cuộc sống. Ðiều dễ nhận thấy là, đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, thêm nhiều thanh niên có việc làm, giảm số hộ nghèo, tăng số hộ có thu nhập khá. Những kết quả này càng làm cử tri chúng tôi thêm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, sự điều hành của Chính phủ. Chúng tôi tâm đắc với nhận xét nêu trong báo cáo là trong năm 2004, Chính phủ, các ngành, các cấp có sự chuyển biến rõ nét trong công tác chỉ đạo điều hành về kinh tế-xã hội.

Việc phân công, phân cấp cho các bộ, ngành, địa phương đã được triển khai tích cực hơn, trách nhiệm và tính chủ động của nhiều địa phương đã được tăng cường. Qua theo dõi, chúng tôi được biết, nhiều ngành, địa phương đã có sự thay đổi theo hướng lắng nghe ý kiến của nhân dân và các doanh nghiệp, "nói ít, làm nhiều", làm dứt điểm và có hiệu quả. Mới đây, Chính phủ quyết định ngày 13-10 là Ngày Doanh nhân Việt Nam, xác định đúng vai trò, vị thế doanh nhân, tạo sự tin tưởng, tự hào, xây dựng sức mạnh cộng đồng doanh nhân trên thương trường.

Về những nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2005, theo chúng tôi, điều rất quan trọng trong báo cáo này là Chính phủ đã nhấn mạnh: Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra, tổng kết công tác cổ phần hóa, rút kinh nghiệm, hoàn thiện cơ chế, chính sách để thực hiện ngày càng tốt hơn. Thực hiện việc thay đổi nhân sự chủ chốt đối với những doanh nghiệp không chịu sắp xếp lại sản xuất theo hướng hiệu quả, bền vững, những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ hơn hai năm. Với các giải pháp mạnh của Chính phủ, doanh nghiệp trong nước càng thêm quyết tâm hợp sức để cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Ðặng Ngọc Hoà, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Daso Group (TP Hồ Chí Minh):

Ðể nền kinh tế đất nước tăng trưởng nhanh và bền vững


Báo cáo "Những nội dung chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005" của Chính phủ, đã đánh giá: "Các thành phần kinh tế tích cực đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực tư nhân đã có mức tăng trưởng rất cao".

Ðúng như vậy, phát triển nền kinh tế nhiều thành phần là chủ trương nhất quán của Ðảng và Nhà nước ta, trong đó tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Trên thực tế, thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trong những năm qua đã có sự đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế (GDP) của đất nước. Từ chỗ năm 1990 chỉ mới chiếm vài phần trăm, đến năm 2003, kinh tế ngoài quốc doanh đã chiếm gần 40% GDP. Các tỉnh Bình Dương, Vĩnh Phúc, kinh tế ngoài quốc doanh đã đóng góp từ 60% đến 70% vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ðể thành phần kinh tế ngoài quốc doanh phát triển và đóng góp nhiều hơn nữa vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước, chúng tôi xin kiến nghị: Ðảng và Nhà nước có chính sách cho các doanh nghiệp ngoài quốc doanh được tham gia hoạt động các lĩnh vực, ngành nghề mà hiện nay tuy pháp luật không cấm, không ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, nhưng đang được xem như độc quyền của quốc doanh. Nhà nước nên đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước với điều kiện là vốn Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo, kiểm soát bằng pháp luật. Nhà nước cần có quyết sách, không để giá đất bị đẩy lên cao theo giá "thị trường ảo" như hiện nay, tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, trong các lĩnh vực kinh tế, tạo điều kiện thông thoáng cho kinh tế ngoài quốc doanh (chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ) tiếp cận các nguồn vốn của ngân hàng và các nguồn vốn khác.

Lý Văn Sẩm (Định Hoá, Thái Nguyên):

Quy mô giáo dục cần phù hợp điều kiện vùng, miền


Là một cử tri, lại sống lâu năm ở vùng cao, khi xem báo, truyền hình về kỳ họp Quốc hội, bàn nhiều đến phát triển quy mô giáo dục, tôi thấy rất phấn khởi. Vì lần này không duy ý chí mà có tính đến sự phù hợp giữa các vùng, miền, phù hợp điều kiện kinh tế - xã hội của từng nơi, chúng tôi cho đó cũng là một việc làm sát thực tế. Xin có một vài kiến nghị.

Hiện nay, giáo dục - đào tạo giữa các vùng có sự chênh lệch đáng kể. Ngay như kỳ thi đại học vừa qua, có những trường ở đô thị tỷ lệ học sinh đỗ đại học đạt 80-90%; trong khi đó có những huyện vùng cao không hề có một học sinh nào đỗ đại học. Cho nên, nếu để có cán bộ cho vùng cao, Nhà nước vẫn phải tiếp tục một mặt giữ bằng được kết quả xóa mù chữ, nhưng mặt khác, cũng phải thực hiện chế độ cử tuyển. Ở vùng sâu, vùng xa thu nhập rất thấp, cần phải có những ưu đãi, miễn trừ cho con em các dân tộc thiểu số đi học. Cần có những trường lớp đặc biệt mà Nhà nước bao cấp toàn diện để đào tạo cán bộ. Ngay như đội ngũ giáo viên, bên cạnh việc bất cập về trình độ, cũng chưa thật sự chú ý đến việc dạy dỗ ở vùng cao khó khăn. Nhà nước cần có chế độ khuyến khích cán bộ tiếp tục phục vụ đồng bào, và nếu là người địa phương, có những khuyến khích thích đáng, khơi dậy ở họ trách nhiệm với quê hương, giữ chân họ ở lại phục vụ quê hương. Chương trình giáo dục phải làm sao sát với tư duy, tầm hiểu biết của các cháu từng vùng, có như vậy các cháu ở vùng cao mới có điều kiện tiếp thu. Ðòi hỏi cào bằng trong học tập, vô hình trung chúng ta đã gạt sang bên một bộ phận mà do điều kiện địa lý chịu thua thiệt. Một vài đóng góp như vậy mong được Quốc hội quan tâm xem xét.

Hồ Thị Xuyên (Dân tộc Vân Kiều, Hướng Hoá, Quảng Trị):

Tạo điều kiện để nâng cao cấp học cho con em dân tộc vùng cao


Tôi rất đồng tình chủ trương của Chính phủ về thực hiện năm nhóm mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2005, nhất là về giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, để tiếp tục thực hiện tốt việc phổ cập giáo dục THCS ở các địa bàn khó khăn, tôi xin đề nghị Chính phủ chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo và các địa phương cần có các giải pháp để đáp ứng nhu cầu học tập tại chỗ cho con em đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao.

Thực tế hiện nay như tỉnh Quảng Trị, nhận thức về giáo dục trong đồng bào vùng bản đang có những chuyển biến quan trọng. Hiện hầu hết các xã đã có trường tiểu học và THCS, từ chỗ thầy giáo, cô giáo phải đến từng nhà động viên phụ huynh cho con em đi học thì nay bố mẹ trực tiếp đưa con đến trường. Rất nhiều hộ đồng bào Vân Kiều, Pa Kô đã biết đầu tư cho việc học tập của con em, có gia đình nuôi ba, bốn con đi học đại học... Nhưng đó mới chỉ là những dấu hiệu ban đầu, trong một bộ phận dân cư.

Vấn đề đặt ra là, việc học lên bậc cao hơn của con em đồng bào vẫn còn rất khó khăn. Do nhận thức, phong tục tập quán và mức sống đang thấp và lạu hậu, giao thông và các điều kiện xã hội thiếu thốn cho nên muốn học tiếp lên bậc cao hiện rất khó khăn. Ðể lên THPT, các em phải lên trường huyện rất xa, nơi ăn chốn ở không bảo đảm. Theo chính sách hiện hành, chỉ một số ít con em đồng bào được tuyển chọn vào học các trường dân tộc nội trú ở huyện, nhưng ở đây cũng chỉ đào tạo hết THCS. Muốn học tiếp lên THPT phải được tuyển chọn về trường dân tộc nội trú trên tỉnh. Như vậy, số lượng học sinh học xong THCS ở xã rất khó tiếp tục học lên, phần lớn trở về làm nương rẫy và nguy cơ tái mù chữ cao.

Theo chúng tôi, Nhà nước nên tiếp tục có chính sách ưu tiên để mở rộng quy mô đào tạo ở trường dân tộc nội trú cấp huyện. Tại đây, cần tăng cường đủ đội ngũ giáo viên và cơ sở trường lớp để tuyển nhiều hơn học sinh học xong THCS ở tuyến xã. Chương trình đào tạo ở đây, không chỉ dạy văn hóa mà cần phân luồng cho học sinh theo hướng gắn liền điều kiện kinh tế cụ thể của từng vùng. Thí dụ ở hai huyện miền núi Quảng Trị là Hướng Hóa và Ðác Rông đang phát triển các vùng chuyên canh cây công nghiệp và khu kinh tế cửa khẩu với nhiều nhà máy, nhiều cơ sở sản xuất. Lực lượng lao động tại chỗ chính là con em đồng bào các dân tộc. Vậy định hướng nghề cho các em thế nào để có thể trở thành những lao động chính của gia đình, thành chủ nhân đích thực ngay trên quê hương mình. Ðó là trách nhiệm mà các trường dân tộc nội trú cần phải cáng đáng. Ngành giáo dục - đào tạo và các địa phương nên có ưu tiên hơn nữa để xây dựng trường nội trú tại các cụm dân cư ở vùng sâu, vùng xa, để con em đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện nâng cao cấp học cũng như về kiến thức kinh tế - xã hội.

Lâm Ngọc Khuân (Giám đốc Nhà máy chế biển thuỷ sản xuất khẩu Phương Nam, Sóc Trăng):

Nhận định sát thực tế, vạch hướng đi cho hoạt động xuất khẩu thủy sản phát triển ổn định


Ðọc Báo cáo của Chính phủ đăng trên báo Nhân Dân, tôi nhất trí với đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua có nhiều tiến bộ, từng bước thích nghi với quá trình hội nhập.

Tuy nhiên, tôi thấy rằng, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu thủy sản cần sự giúp đỡ của các bộ, ngành trung ương trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Trong thời gian qua, việc xúc tiến thương mại còn nặng về hình thức, chưa đi vào thực chất, cũng có lý do là người điều hành còn hiểu chung chung về lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản, bởi vậy việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm trong nước ra nước ngoài chưa đúng mức. Biện pháp hỗ trợ thông tin thị trường xuất khẩu để sử dụng tối đa hạn ngạch xuất khẩu là hết sức cần thiết cho người sản xuất trong nước, cần được làm gấp.

Là một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, tôi rất phấn khởi trước việc Chính phủ tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch nuôi trồng, khai thác thủy sản, thực hiện nuôi trồng thủy sản an toàn, chống dịch bệnh. Theo tôi, đây là mấu chốt vấn đề về chất lượng vùng nguyên liệu thủy sản cho chế biến xuất khẩu. Tiếp theo việc quy hoạch vùng nguyên liệu thủy sản, Chính phủ nên chỉ đạo chính quyền địa phương đẩy mạnh việc quản lý chất lượng thủy sản, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp gian dối ở khâu thu mua nguyên liệu.

Trong định hướng phát triển các ngành dịch vụ, báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh việc mở rộng thị trường bảo hiểm là rất sát thực tế. Bởi vì, nghề nuôi tôm khá rủi ro, nhưng cũng là nghề siêu lợi nhuận, đóng góp một tỷ trọng khá lớn cho kim ngạch xuất khẩu, do vậy việc tổ chức loại hình bảo hiểm nuôi tôm là cần thiết.

Tóm lại, Báo cáo của Chính phủ liên quan đến vấn đề xuất khẩu thủy sản rất sát thực tế, chỉ rõ ưu điểm và khuyết điểm một cách nghiêm túc, đồng thời tăng cường vai trò quản lý vĩ mô của Nhà nước, đưa hoạt động xuất nhập khẩu thủy sản phát triển ổn định và bền vững.

Nguyễn Thái Dương (TP Thanh Hoá):

Ðầu tư, khai thác kinh tế vùng để mức tăng trưởng cao hơn


Rất đáng mừng khi Quốc hội công bố tại kỳ họp thứ 6 này, mức tăng trưởng kinh tế nước ta trong năm 2004 đạt khá và toàn diện. Nhìn chung, các chỉ tiêu kinh tế tăng khá và cao, phần lớn các lĩnh vực mang các yếu tố về vốn đầu tư, lao động, kỹ thuật, quản lý và điều hành quyết liệt. Trong đó lĩnh vực kinh tế nông nghiệp tăng khá nhưng có thể còn cao hơn nữa nếu kinh tế vùng được khai thác các nguồn lợi về tài nguyên.

Vùng biển, thế mạnh trước đây là đánh bắt hải sản, thì nay đưa nuôi trồng vào, nên coi là ngang tầm với khai thác. Trong đó, nuôi thủy sản nước lợ, nước mặn, nước ngọt. Cơ cấu con nuôi đa dạng: tôm sú, tôm càng xanh, tôm hùm, cá, cua, các loại nhuyễn thể ngao, ốc... Khuyến khích nhiều mô hình sản xuất, kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác... Một thực tế là kinh tế các huyện vùng biển năm năm lại đây mức tăng trưởng gấp hai lần năm 2000 về trước. Nhưng nhìn tổng thể, khai thác lợi thế này chưa thấm vào đâu. Hàng nghìn ha bãi triều chưa được khai thác, hoặc đưa vào nuôi trồng thủy sản nhưng quảng canh, hiệu quả thấp. Trong khi đó lao động vùng biển dôi thừa đông không có việc làm do thiếu vốn đầu tư. Nhà nước nên tạo điều kiện cho dân vay vốn nuôi trồng thủy sản nhưng giám sát chặt chẽ, giao từng cấp địa phương có trách nhiệm, không để tình trạng vốn vay như "tàu cá xa bờ". Ngoài vốn thì một trong những yếu tố quyết định đạt hiệu quả cao là áp dụng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân nuôi trồng có năng suất, chất lượng sản phẩm tốt đưa vào chế biến, làm tăng nguồn hàng xuất khẩu.

Ðối với vùng trung du, hiệu quả khai thác đất chưa cao về giá trị sản phẩm trên mỗi ha cây trồng. Một số vùng cây nguyên liệu công nghiệp như: mía, chè, cà-phê, cao-su đã mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể nhưng chưa tương xứng tiềm năng. Khuyến khích trang trại đồi, trang trại rừng, vườn là đúng hướng. Nhưng nếu không quy hoạch vùng để hướng dẫn nông dân trang trại trồng cây, nuôi con nằm trong cơ cấu tổng thể hàng hóa khối lượng lớn của huyện và tỉnh, sẽ trở nên phát triển cục bộ, dẫn đến sản phẩm đa dạng nhưng quy mô vẫn chỉ manh mún. Ðã đến lúc nông dân cần nhận thức, trên diện tích đất canh tác Nhà nước giao cho hộ lâu dài, muốn làm ra sản phẩm hàng hóa có giá trị cao thì phải theo hướng quy hoạch vùng trên địa bàn. Có như vậy mới bảo đảm sự đồng đều để đạt mức tăng trưởng.

Nguyễn Đình Sáng (Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương):

Phát triển nguồn lực phục vụ các thành phần kinh tế phát triển


Là một cử tri, tôi đồng tình và nhất trí với những nội dung chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2005 do Thủ tướng Phan Văn Khải báo cáo trước Quốc hội. Tuy nhiên, riêng vấn đề phát triển nguồn lực phục vụ các thành phần kinh tế phát triển, từ thực tế ở Bình Dương mấy năm gần đây, tôi mạnh dạn góp ý như sau: Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực trong nước, trong đó quan trọng nhất là giáo dục-đào tạo, nhằm tạo ra tầng lớp trí thức, trước mắt là các nhà khoa học, chuyên gia cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, nông-lâm nghiệp, thủy sản, giao thông, thủy lợi... Nhà nước, gia đình, xã hội cùng đào tạo những con người say mê với đồng ruộng, làm giàu cho quê hương, cho chính gia đình mình; những giám đốc, chủ doanh nghiệp giỏi giang, giàu lòng nhân ái, chăm lo cho người lao động. Trên cơ sở đó tuyển chọn xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có tâm huyết với công việc, với sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước. Phát triển nhân lực còn nhằm vào mục tiêu cải cách hành chính, nếu có đội ngũ cán bộ say mê, sáng tạo biết thương dân sẽ chủ động tìm tòi cải tiến để thủ tục hành chính gọn nhẹ, tinh chắc. Không thể cứ để tồn tại mãi nghịch lý thủ tục thành lập HTX lại khó hơn đăng ký thành lập doanh nghiệp. Nguồn vốn trong dân còn rất lớn, nếu biết khai thác để người dân yên tâm đầu tư vào sản xuất, hoặc tham gia các tổ chức tín dụng góp sức với Nhà nước giải quyết vốn cho sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển văn hóa, giáo dục, xây dựng cơ bản hạ tầng... thì nguồn lực tiềm ẩn trong dân sẽ được phát huy tác dụng.

Nguyễn Trung Tá (Cử tri vùng than, Quảng Ninh):

Cải thiện mạnh môi trường kinh doanh, nâng cao hiệu quả sức cạnh tranh của doanh nghiệp


Số đông cử tri ở vùng than đều chờ đón và chăm chú theo dõi các kỳ họp của Quốc hội, bởi sau mỗi kỳ họp, đất nước lại có những đổi mới về nhận thức và hành động trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bây giờ, nước ta đã có Ngày Doanh nhân Việt Nam. Xã hội đã nhìn nhận doanh nhân là chiến sĩ xung kích trên mặt trận kinh tế. Ðể doanh nghiệp và doanh nhân hoàn thành được trọng trách đó, cử tri rất mong sau kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XI này, cần phải có chủ trương, chính sách cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh. Theo chúng tôi, Quốc hội, Chính phủ cần có các giải pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về các mặt sau đây:

1. Vấn đề tạo mặt bằng và quỹ đất cho doanh nghiệp thuê, hoặc mua để làm nơi sản xuất. Ðây là vấn đề bức xúc nhất hiện nay. Không có đất, không có mặt bằng làm sao mà sản xuất được.

2. Cần có một cơ quan đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các doanh nghiệp tư nhân. Cơ quan này không chỉ là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, mà phải được tổ chức ở cấp tỉnh đến cấp huyện, đóng vai trò tương tự như tổ chức Liên minh HTX trong Luật HTX. Có thể giao thêm nhiệm vụ này cho Liên minh HTX ở các tỉnh.

3. Ðể tăng nhanh số lượng doanh nghiệp, một mặt cần có chính sách khuyến khích tinh thần kinh doanh của mọi người dân, mặt khác phải có chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc cho vay vốn, trong công tác đào tạo nghề, bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh doanh, hỗ trợ áp dụng công nghệ, tìm kiếm thị trường... Có như vậy, doanh nghiệp mới có cơ may để cạnh tranh và hội nhập.

4. Các chính sách của Nhà nước phải bảo đảm tính ổn định, nhất quán để các doanh nghiệp có điều kiện định hướng sản xuất lâu dài, nhất là những chính sách khuyến khích đầu tư, đất đai, thuế... Ðồng thời, chính sách phải bảo đảm tính bình đẳng giữa các doanh nghiệp của tư nhân, Nhà nước và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

5. Nhà nước cần có chính sách đặc biệt quan tâm hỗ trợ đầu tư hạ tầng đối với vùng còn khó khăn, nhất là các huyện miền núi, hải đảo.

Tuy nhiên, yếu tố có tính quyết định không chỉ là chính sách mà còn là tổ chức thực hiện chính sách. Nhiều luật, chính sách đã ban hành để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện, như việc hình thành quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vấn đề cải cách hành chính,...

Lưu Thái Hà (Nam Trực, Nam Định):

Chăm lo hơn nữa đời sống nông dân


Tôi rất phấn khởi khi thấy đánh giá của Chính phủ trong Báo cáo "Những nội dung chủ yếu về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2005", đăng trên báo Ðảng trong các ngày 19, 20-10, và báo cáo được Thủ tướng Phan Văn Khải trình bày trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI, sát đúng tình hình đất nước. Thực tế sôi động ở quê tôi phản ánh rất rõ điều đó. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, bộ mặt làng quê không ngừng đổi mới.

Song do tính đặc thù của nghề nông cho nên thu nhập từ nông nghiệp còn thấp. Tạm tính theo mức thu nhập 50 triệu đồng/ha/năm thì 8 sào ruộng khoán của một hộ nông dân thu được khoảng 15 triệu đồng/năm. Nếu trừ đi chi phí "đầu vào" cho sản xuất thì bốn nhân khẩu của gia đình ấy chỉ được gần 10 triệu đồng trong một năm.

Tuy nhiên, đây là mức thu nhập mà chúng ta đang phấn đấu bằng việc "xây dựng cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm". Vì vậy, trong thực tế, thu nhập của nhà nông chúng tôi còn thấp hơn nhiều. Ðặc biệt, từ đầu năm đến nay, lại xuất hiện những khó khăn, thử thách mới như thời tiết thay đổi thất thường, dịch cúm gia cầm, giá cả các mặt hàng sinh hoạt và vật tư nông nghiệp liên tục tăng cao, làm cho sản xuất nông nghiệp kém hiệu quả, thu nhập giảm. Trong khi đó người nông dân phải đóng góp nhiều khoản để làm đường giao thông nông thôn, tiền học cho con, tiền khám chữa bệnh... Ðời sống của đại bộ phận nông dân gặp không ít khó khăn.

So với mặt bằng chung trong xã hội thì nông dân vẫn là người chịu nhiều vất vả, thiệt thòi. Qua báo Ðảng, chúng tôi đề nghị Nhà nước và các Ðoàn đại biểu QH ở các tỉnh cần có sự điều tra, đánh giá sát, đúng thực trạng sản xuất nông nghiệp và đời sống nông dân. Từ đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ cụ thể đối với nông nghiệp, nông thôn và chăm lo hơn nữa đến đời sống vật chất, tinh thần của nông dân. Trước hết, từ việc miễn thủy lợi phí rất được lòng dân ở tỉnh Vĩnh Phúc, Nhà nước cần tổng kết thành bài học kinh nghiệm để có quyết định miễn thủy lợi phí cho nông dân trên phạm vi cả nước.

Ðồng thời bỏ phí giao thông qua giá xăng, dầu đối với các phương tiện khai thác hải sản và có các biện pháp mạnh để quản lý, kiểm soát chặt chẽ về giá cả, chất lượng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, chấm dứt tình trạng bán giống, thuốc trừ sâu, phân bón... kém chất lượng cho nhà nông. Mặt khác, Nhà nước cần có chiến lược khôi phục và phát triển ngành nghề ở các vùng nông thôn, tạo nhiều việc làm cho nông dân, vì đất nông nghiệp mỗi ngày bị thu hẹp.

BTS tổng hợp
(Theo Nhan dan)