KH&CN tiếp sức miền Tây Nam bộ

04/Thg5/2007 16:10:45

Nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã có những đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội trong cả nước, nổi tiếng với không ít sản phẩm nông lâm thủy sản như lúa, cá tôm, cây công nghiệp. Có những sản phẩm đã trở thành nguồn xuất khẩu chủ lực của đất nước nhờ vào những giải pháp KH&CN phù hợp với đặc thù tự nhiên trong khu vực như cá da trơn, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia như lúa. Tăng trưởng kinh tế khu vực ĐBSCL liên tục tăng khá cao, năm 2006 đạt tới 12,3%.

Trong nhiều năm qua, hoạt động KH&CN ở ĐBSCL diễn ra khá sôi động giữa 13 tỉnh trong vùng, giữa các Sở, Viện, Trường trong và ngoài khu vực. Nhưng sự phối hợp chưa thực sự hiệu quả, chưa tập trung được sức mạnh cần thiết trong đội ngũ những người làm công tác KH&CN, chưa thu hút được những lực lượng sản xuất trực tiếp sử dụng kết quả nghiên cứu KH&CN.         

Đại diện ngành KH&CN các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cần Thơ... đã đề cập đến một loạt vấn đề khá phức tạp, vướng mắc trong chủ quan nội tại, và liên quan cả những vướng mắc về cơ chế chính sách. Nhiều kết quả nghiên cứu chưa được chia sẻ thông tin giữa các tỉnh trong vùng, mặc dù mong muốn là có. Nguyên nhân do thiếu các cam kết có đủ sức ràng buộc trách nhiệm giữa các bên. Đây cũng là lý do cốt lõi khiến nhiều vấn đề không thể triển khai được, gây lãng phí trong quy trình tạo dựng và kết thúc một đề tài nghiên cứu KH&CN, đặc biệt là đối với những đề tài mang tính ứng dụng trong thực tiễn sản xuất. ĐBSCL được xem là vùng đất có khả năng đóng góp tích cực cho an ninh lương thực Quốc gia. Tiềm năng phát triển nông lâm thủy sản của ĐBSCL còn rất lớn. Chính bởi vậy, ở tầm vĩ mô, cấp Bộ nên sớm có những nghiên cứu đánh giá tổng quan sau một thời gian phát triển khá thành công, những vấn đề bức xúc hiện nay của vùng, tạo cơ sở xác định cho những bước phát triển sắp tới.  

Hiện nay, ở ĐBSCL, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho công tác nghiên cứu cũng như kinh phí đầu tư cho các đề tài nghiên cứu còn hạn chế. “Mặc dù nguồn kinh phí Nhà nước dành cho hoạt động KH&CN còn rất ít, nhưng địa phương cũng mong muốn Bộ KH&CN cân đối tiếp cho ĐBSCL”, ông Huỳnh Phong Tranh đề nghị. 

Liên kết và phối hợp các cấp

Những ý kiến phân tích bao hàm nhiều kinh nghiệm thực tế đa dạng và phong phú cho thấy, ĐBSCL rất cần sự phối hợp cụ thể hơn giữa Tỉnh với Trung ương, giữa Tỉnh với các Sở, ban, ngành, và xuống đến tận cấp thực hiện là các đơn vị sản xuất và thụ hưởng những kết quả nghiên cứu KH&CN. Bộ trưởng Hoàng Văn Phong nhận định: “Thế mạnh ở ĐBSCL là công nghệ sinh học, là các quy trình canh tác, vận dụng sự đa dạng phong phú, sự giàu có của tài nguyên thiên nhiên trong vùng. Nhưng chúng ta yếu ở lĩnh vực công nghiệp. Ta nên không chỉ nghiên cứu về công nghệ sinh học, mà cần có nơi nghiên cứu về công nghệ công nghiệp, để khẳng định rằng cùng với thế mạnh trong ứng dụng công nghệ sinh học ở đây, phải có các ngành công nghệ khác góp sức. Có thể trước mắt là công nghệ chế biến, công nghệ sau thu hoạch, nhưng sau này, ĐBSCL không thể không làm công nghệ tự động hóa”. Bên cạnh việc nâng cấp Viện lúa ĐBSCL, việc nghiên cứu hình thành Viện Công nghệ Công nghiệp và xây dựng Khu Nông nghiệp Công nghệ cao là một trong những đòi hỏi nghiêm túc cho vùng ĐBSCL trong giai đoạn phát triển hiện nay.

(Theo báo Khoa học & Phát triển, 3-9/05/2007)