Mười năm VCCA: nhớ về Giáo sư Phạm Thượng Cát

08/Thg4/2022 09:27:42

Nhớ lại thời gian khoảng 2010 trở về trước, những ai làm nghiên cứu khoa học (NCKH), hay những ai làm công tác đào tạo sau đại học, hay đơn thuần những ai có nhu cầu công bố các kết quả nghiên cứu (NC) vì đang viết luận văn ThS., luận án TS. thuộc lĩnh vực Đo lường – Điều khiển – Tự động hóa – Cơ điện tử, chắc chắn vẫn còn nhớ về “sự khan hiếm” các diễn đàn khoa học (KH) tương xứng (tạp chí, hội nghị KH) thời gian đó. Khi ấy, có hai diễn đàn quan trọng được tổ chức luân phiên:

  • Hội nghị Tự động hóa toàn quốc (viết tắt: VICA) do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Chương trình KHCN Nhà nước về Tự động hóa KC.03 cùng nhiều Bộ, trường ĐH và cơ quan NC khác tổ chức. Kỳ hội nghị lần thứ 6 là kỳ cuối cùng VICA-6, diễn ra trong 2 ngày 12-14/04/2005 tại Hà Nội.
  • Hội nghị Cơ điện tử toàn quốc (viết tắt: VCM) do Hội Cơ điện tử tổ chức vào các năm chẵn. Kỳ hội nghị cuối cùng VCM-2016 là kỳ thứ 8, diễn ra trong 2 ngày 25-26/11/2016 tại trường ĐH Cần Thơ.

Có thể nói: Hai chuỗi hội nghị thành công trên đây, khi ấy đã trở thành điểm hội tụ Cộng đồng các nhà NC Tự động hóa, diễn ra xen kẽ nhau. Rất đáng tiếc, không rõ vì lý do gì, VICA-6 là kỳ VICA cuối cùng và tình trạng thiếu vắng một diễn đàn KH toàn quốc về Tự động hóa kéo dài hơn 5 năm, cho tới khi VAA đứng ra tổ chức VCCA-2011, chính thức chấm dứt mọi bàn luận về VICA. Đối với diễn đàn VCM, sau VCM-2014 tại ĐH Lạc Hồng và VCM-2016 tại ĐH Cần Thơ, VCM cũng dần đi vào quên lãng không lý do. May thay, Hội Tự động hóa Việt Nam đã lắng nghe tiếng nói của cộng đồng các nhà KH về Tự động hóa tại Việt Nam, đứng ra tổ chức VCCA mà nay bước sang kỳ thứ 6 (VCCA-2021).

PGS. TSKH. Phạm Thượng Cát (hàng đầu tiên, ngoài cùng bên trái) tại VCCA – 2013 ở Đà Nẵng. Ảnh tư liệu

Khi khởi động tổ chức VCCA-2011, PGS. TSKH. Phạm Thượng Cát, Trưởng ban Chương trình của Hội nghị và cũng là một trong những người đi tiên phong tổ chức kỳ VCCA đầu tiên. Ban Tổ chức và Ban Chương trình (do thầy Cát làm Trưởng ban) đã nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các nhà khoa học khi mà diễn đàn VICA “truyền thống” vẫn còn trong ký ức và nhiều người vẫn còn “lưu luyến” quá khứ. Tuy nhiên, hội nghị đã đáp ứng sự trông đợi của cộng đồng là lý do chính mang lại thành công của VCCA-2011. Hiện tại 10 năm đã trôi qua và VCCA đã có chỗ đứng vững chắc tại Việt Nam, nhờ nỗ lực và sự hưởng ứng của cộng đồng KH về điều khiển và tự động hóa nước nhà. Nay đã tròn 10 năm trôi qua, nhưng một người đã vắng bóng, một người luôn đứng ở vị trí dẫn đầu khi xây dựng các chương trình của VCCA: PGS. TSKH. Phạm Thượng Cát.

PGS.TSKH. Phạm Thượng Cát phát biểu tại Diễn đàn trao đổi về Điều khiển học và Chương trình nghiên cứu cơ bản (NCCB) của Nhà nước (trong khuôn khổ Hội nghị toàn quốc về Điều khiển và Tự động hóa VCCA 2011) diễn ra ngày 26/11/2011. Ảnh tư liệu

Nếu nói đến cộng đồng KH về Điều khiển và Tự động hóa, chúng ta cũng không thể quên diễn đàn VCM và có thể coi đây là “sân chơi” thứ hai của cộng đồng. Cũng tại các kỳ VCM, một lần nữa GS. Phạm Thượng Cát cho chúng ta thấy và cảm nhận về một con người luôn tận tụy vì cộng đồng. Nhắc tới anh, tôi vẫn chưa thể nào quên những cuộc điện thoại gọi lúc đêm khuya của anh để trao đổi về chương trình, về phản biện bài báo,… về công việc của VCM và VCCA.

Nhân dịp VCCA tròn 10 tuổi, tôi xin mạn phép được nhắc về anh: PGS. TSKH. Phạm Thượng Cát, nguyên Trưởng ban Chương trình các kỳ VCCA-2011, 2013 và 2015, như một yếu tố gắn kết cộng đồng KH Việt Nam về Điều khiển và Tự động hóa.

Nguyễn Phùng Quang