Nguồn lao động chất lượng cao: chất xám “chảy” về đâu?

24/Thg5/2007 15:42:52

Trong khi chúng ta đang rất thiếu và rất cần mà chất xám vẫn cứ “chảy” đi nơi khác. Vậy chất xám đã và đang “chảy” về đâu? Một chức danh công chức nhà nước với mức lương hiện thời và rất nhiều chuyện ngoài công việc không quan trọng với khoa học, nhưng rất quan trọng khi đề bạt, thưởng phạt làm họ phải cân nhắc. Vậy thì, cơ quan nhà nước có tuyển dụng được người tài không? Có, nhưng chắc là hiếm. Xu hướng vọng ngoại ngày càng gia tăng và nhiều Công ty nước ngoài đang hưởng lợi từ đội ngũ nhân lực chất lượng cao của Việt Nam, mà không mất tiền của đầu tư.

“Có thực mới vực được đạo”?

Mức sống tại các nước phát triển, trong đó có chuyện tiền lương cho người lao động khoa học có trình độ, là cám dỗ khó vượt qua với nhiều trí thức. Một TS mới bảo vệ xong, làm nghiên cứu viên tại một viện ở Ôxtrâylia mỗi năm được trả lương từ 28.000- 35.000 USD. Gần ta hơn cả là Trung Quốc, họ cũng trả lương cho cán bộ nghiên cứu khoa học tương đương 1.000 USD/tháng. Trong khi đó mức lương cao nhất của một GS ở ta nếu đạt “trần” cũng chỉ dừng lại ở con số trên 5 triệu đồng... Rõ ràng lương, bổng chắc chắn có ảnh hưởng rất lớn đến dòng chất xám đang “chảy” ra khỏi các cơ quan nhà nước. Thấy rõ nhất là tại các cơ quan nghiên cứu, “đầu bạc” nhiều hơn “đầu xanh”.

Có một nghịch lý rằng, làm ở các viện nghiên cứu (VNC), trường đại học đồng nghĩa với việc chấp nhận lương thấp, không cao bằng làm tại các doanh nghiệp, nhưng đã vào được rất hiếm người xin đi. GS-VS Nguyễn Văn Hiệu nhận xét: “Hiện các VNC có quá nhiều cán bộ vô tích sự, không làm nghiên cứu, chỉ lo “chân ngoài dài hơn chân trong” đi làm kinh tế. Điều này khiến những người có tài và tâm huyết  khó thực hiện được ý tưởng”. Quy định cứng nhắc về biên chế và không có cơ chế đào thải dẫn đến hệ quả nhiều cơ quan không có người làm chuyên môn dưới 30 tuổi, và những tài năng trẻ, đầy nhiệt huyết sẽ không thể có cơ hội chen chân. Chính cách thức quản lý như trên vô hình trung đã làm các cơ quan khoa học chậm tiến mà lẽ ra nó phải là đầu tàu, là động lực thúc đẩy của nền kinh tế.

Cơ chế tự tìm kiếm kinh phí có lúc được coi là quyết sách góp phần “cởi trói” cho nhà khoa học, biến chất xám thực sự thành hàng hóa. Nhưng nó đã trở thành “con dao hai lưỡi”. Vì lo làm kinh tế, tại một số Viện, phần nghiên cứu bị teo lại chỉ bằng 10-20% tổng năng lực hoạt động của đơn vị. Đội ngũ cán bộ có trình độ, chức danh chỉ đứng tên, lo “đứng mũi chịu sào”, xin kinh phí, còn việc triển khai sẽ do cán bộ trẻ mới vào nghề  thực hiện. Công việc chính của họ là làm chuyên gia cho các dự án, đi giảng, đi hội thảo ở nước ngoài, một dạng bán chất xám phổ biến nhất hiện nay.

Chấm dứt tình trạng “Chảy máu chất xám” không phải là công việc ngày một ngày hai có thể làm được. Tuy nhiên, nếu không bắt đầu bằng một chính sách khai phá e rằng khi thấm hiểu hậu quả thì đã quá muộn và sự hụt hẫng nguồn nhân lực khoa học có trình độ là không sao tránh khỏi.

Theo báo Hà Nội mới, 23/05/2007