Những khuyến cáo của WB về nông thôn hậu WTO

19/Thg6/2006 15:46:56

Cũng thế, cùng với nhiều phân tích và khuyến cáo khác, ADB, OXFAM cũng đã dày công phân tích về những thách thức của WTO đối với Việt Nam, nhất là nông thôn. Tại sao họ lại quan tâm đến vấn đề nông thôn hậu WTO? Câu trả lời có thể đoán: vì đây là khu vực dễ tổn thương nhất!

Cạnh tranh trong thương mại nông nghiệp

Theo WB, thử thách lớn của Việt Nam khi gia nhập WTO chính là sự chuyển động chậm chạp trong thương mại nông nghiệp. Trong khi đó, khi vào WTO, nông sản sẽ hầu như lưu thông tự do với thuế suất giảm, thậm chí bằng 0, và do vậy, nước nào yếu kém hơn sẽ thua.

Chính vì thế, WB thúc hối phải thương mại hóa nông nghiệp hơn nữa: “Gia nhập WTO sẽ tạo cơ hội cho việc tăng tốc trở lại của thương mại nông nghiệp. Đây là yếu tố đóng góp quan trọng trong phát triển nông thôn và bổ sung cho nhu cầu của thị trường nội địa”.

WB cũng thận trọng khuyến cáo: Việt Nam cần nhìn thấy những hàng hóa nông sản mà Việt Nam có sức cạnh tranh thấp (như cây bông vải), hoặc có thể gặp phải rủi ro do quá thiên lệch vào một số chủng loại như bắp/ngô (báo cáo Thúc đẩy công cuộc phát triển nông thôn ở Việt Nam, tr. IX, tập I).

Nếu quả thật bông vải hoặc bắp có thể gặp rủi ro cạnh tranh hậu WTO, chúng ta sẽ phải làm gì?

Website của Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (NN & PTNT) cho biết, diện tích trồng bông vải tuy trồi sụt không đều từ năm 2002, song vẫn là không nhỏ.

Đáng chú ý là trong khi ở miền Bắc, diện tích trồng bông vải tăng (tăng 144%) thì ở miền Nam giảm (chỉ còn bằng 88% so với năm 2001 (xem: biểu 1), trong khi năng suất ở miền Bắc và ở miền Nam lại khác một cách có ý nghĩa: 8,1 tạ/ha ở miền Bắc so với 11,9 tạ/ha ở miền Nam năm 2004 (xem: biểu 2).

Đối chiếu với “Tin tức và sự kiện” của Viện Lúa Đồng bằng Sông Cửu Long từ ngày 29 - 5 - 2006 đến 4 - 6 - 2006), năng suất bông hiện nay của Israel là 1.600kg, của Úc là 1.200kg, năng suất bông ở miền Nam 1.190kg là có thể cạnh tranh (năm 2001, năng suất đã từng là 1.310 kg). Trong khi đó, năng suất 810kg như ở miền Bắc (có tăng nhiều so với 2001) là không cạnh tranh.

Làm gì để bảo vệ nhà nông?

Các nhà chuyên môn sẽ có câu trả lời cho các câu hỏi như: Cần phải và có thể làm gì trong tình hình trồng và thu hoạch bông vải như thế này và trong tương lai sắp tới, nhất là khi mà theo Văn phòng đại diện thương mại Hoa Kỳ - USTR, các sản phẩm như bông vải (cùng da thuộc và chưa thuộc) sẽ được hưởng mức thuế suất 0% ngay lập tức?

Thí dụ trên là một trong vô vàn những vấn đề cần đặt ra sau WTO. Nếu biết thêm rằng cho đến 2007, theo Luật nông trại năm 2002 của Hoa Kỳ (The 2002 Farm Act), các nông dân Mỹ vẫn còn ung dung do được “bảo vệ” bằng nhiều hình thức, thì càng có thể hình dung cuộc chiến sắp tới cần được chuẩn bị như thế nào.

Hãy xem những biện pháp “bảo vệ” nhau của họ, tỉ như cho các nhà trồng đậu nành:

“Các nhà trồng đậu nành được vay tín dụng cho việc marketing trong vụ sản xuất hiện nay bình quân 5 USD một bushel (tạm xem như một giạ). Việc hỗ trợ tín dụng này nhằm cung cấp tiền mặt trong ngắn hạn cho đến khi nào vụ thu hoạch của nhà nông được tiếp thị xong, đồng thời cũng đảm bảo thu nhập tối thiểu cho sản xuất của họ...

Nhà nông có thể ấn định một tỉ lệ chi trả khác vào bất cứ ngày nào trước khi tín dụng chín tháng này hết hạn... Thành ra, tuy không trợ giá song nhà nông vẫn được đảm bảo một thu nhập tối thiểu cho từng giạ đậu nành bất kể giá thị trường có sụt giảm như thế nào” (http://www.ers.usda.gov/features/farmbill).

WB biết rõ các “miếng võ tự vệ” của Nông nghiệp Hoa Kỳ nhằm bảo vệ nông dân của mình nên đã khuyến cáo Việt Nam: “Có thể sử dụng nhiều biện pháp xúc tiến thương mại (nhưng không bằng phương pháp hỗ trợ bao cấp xuất khẩu), đặc biệt thông qua hỗ trợ của Nhà nước cho các hiệp hội sản xuất hàng hóa” (Báo cáo, tr.X, tập 1).

Thậm chí WB còn khuyến cáo rất sát thực tế: “Do nền kinh tế trong nước tiếp tục mở cửa, cần thiết phải tăng cường năng lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ nông dân đối phó với những bất lợi trong thương mại.

Kinh nghiệm gần đây về cà phê cho thấy những bất lợi này có thể tác động to lớn đến nhiều vùng và toàn ngành một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.

Những can thiệp mang tính tình thế để giảm nhẹ tác động bất lợi đến thu nhập của người nghèo thường mang lại ít hiệu quả trong ngành nông nghiệp, đặc biệt trong tình hình hệ thống an sinh xã hội hiện tại chưa được tổ chức tốt.

Những đáp ứng hiệu quả hơn có thể không xuất phát từ ngành nông nghiệp, như là thông qua chương trình quốc gia về xóa đói giảm nghèo, các chương trình này cho phép chuyển các nguồn hỗ trợ xuống các cộng đồng dân cư nhất định”.

Nói cách khác, không có cách hỗ trợ người nông dân nào hiệu quả bằng những hỗ trợ dài hơi: “Các hỗ trợ ngắn hạn có thể giúp nông dân nghèo trong trường hợp khẩn cấp bằng cách cung cấp các nguyên vật liệu đầu vào thiết yếu nhằm phục vụ sản xuất, cung cấp tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, hỗ trợ dài hạn thông qua nghiên cứu và khuyến nông sẽ tạo cơ hội cho nông dân chuyển hướng ra khỏi những cây trồng không được thị trường ưa chuộng” (tr.X).

Đất đai và di dân

Ngay cả những vấn đề hết sức “nội bộ Việt Nam” như làm sao vừa giải quyết bài toán ruộng đất quá “manh mún” không sản xuất lớn được, vừa giải quyết mâu thuẫn “điền chủ” trong xã hội, cũng được WB đề cập đến:

“Hiện nay Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn hai về các vấn đề chính sách và quản lý đất đai với ba điểm nổi bật. Tăng cường quản lý hành chính về đất đai như là một ưu tiên hàng đầu nhằm bảo vệ quyền sử dụng đất và thị trường đất đai đã hình thành trước đây, cũng như việc đưa tên người vợ vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Chính sách dồn điền đổi thửa cho phép xử lý vấn đề đất đai manh mún, một trong những khó khăn chủ yếu của phát triển sản xuất lớn nông nghiệp.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng sự can thiệp của Chính phủ trong tiến trình này nên thận trọng và từng bước vì các yếu tố dân cư nông thôn không thuận lợi cho tiến trình dồn điền đổi thửa một cách tự phát.

Do dân số ở nông thôn sẽ không giảm, nên cách tiến hành áp đặt từ trên xuống sẽ tạo ra kết quả xấu. Cần có những tác động hỗ trợ cần thiết khác để đạt được kết quả như mong đợi” (tr.XI).

Vấn đề đất đai không chỉ ở đồng bằng và là rất nhạy cảm: “Quyền sử dụng đất truyền thống có thể đóng góp tích cực vào quản lý rừng và giảm nghèo ở vùng cao nơi có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong lĩnh vực này vẫn còn ít và mức độ nhạy cảm còn khá cao”.

WB khuyến cáo thận trọng tối đa: “Phải thiết kế thật cẩn thận và thí điểm trước khi thực hiện. Trước tiên cần tiến hành đối với đất rừng và đất chưa sử dụng tại vùng dân tộc thiểu số nơi vẫn giữ các cơ cấu xã hội truyền thống, và hợp pháp hóa các diện tích đất đai mà trước đây chính quyền địa phương đã giao một cách không chính thức cho các cộng đồng (khoảng hơn 1 triệu ha).

Sau khi đánh giá kỹ lưỡng toàn diện bước thử nghiệm, sẽ tiến hành mở rộng qui mô thực hiện và tiến hành đồng thời cải cách các lâm trường quốc doanh” (tr.XI).

Thậm chí WB còn báo động về những bất trắc một khi nông dân nghèo bán đất: “Khả năng tập trung đất từ nhiều trang trại nhỏ hiện nay là rất hạn chế, nếu không muốn xảy ra các rủi ro nông dân mất ruộng đất và các vấn đề xã hội”.

Tác động trực tiếp của WTO là gì? WB mô tả sẵn: “Những cú sốc bắt nguồn từ bên ngoài giống như việc rớt giá các nông sản (từ toàn cầu hóa/gia nhập WTO), đặc biệt ở những vùng chuyên canh một vài loại cây trồng.

Điều này đã được chứng minh qua hiện tượng tăng nhanh lao động làm công tại Tây nguyên, từ 23% lên 38% chỉ trong vòng bốn năm. Hiện tượng này có lẽ do sức ép của việc sụt giảm thu nhập từ cà phê sau khi bị rớt giá vào cuối những năm 1990 nên các hộ sản xuất nhỏ sống dựa vào trồng cà phê phải tìm kiếm thêm việc làm khác để bổ sung thu nhập.

Tương tự như vậy nhưng ở mức độ nhẹ hơn, nông dân ở các vùng đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long cũng bị ảnh hưởng bởi sự rớt giá nông sản trên thị trường thế giới, và đã xuất hiện xu hướng thoát ly khỏi nông nghiệp và tăng việc làm công ăn lương.

Tại các vùng khác, việc tăng lao động làm công phần nhiều do yếu tố hấp dẫn của các hoạt động phi nông nghiệp có thu nhập cao hơn làm nông nghiệp. Những thay đổi này - bao gồm cả những thay đổi tích cực - đang dần rõ nét và mãnh mẽ hơn khi gia nhập WTO” (tr.XVIII).

Nông thôn sẽ thay đổi. Vấn đề là thay đổi như thế nào và chuẩn bị ra sao. Còn rất nhiều vấn đề khác mà nếu không sớm tìm hướng giải quyết sẽ trở nên nghiêm trọng.