Nông sản Campuchia vào Việt Nam: Thị trường khuấy động?

21/Thg8/2006 14:09:55

 

Thương hiệu hàng nông sản Việt Nam vẫn còn ít

Đây là điều kiện thuận tiện cho hàng nông sản Campuchia, nhưng lại là thách thức đối với hàng nông sản trong nước.

Sự ưu đãi của Chính phủ Việt Nam dành cho Campuchia, sẽ tạo nên hiệu quả trong đường lối lãnh đạo của Thủ tướng Hunsen và làm cho người dân Campuchia mau chóng thoát nghèo. Hai nước Việt Nam và Campuchia đã ký thoả thuận đến năm 2010, kim ngạch buôn bán hai chiều sẽ đạt 1 tỷ USD.

Đây quả là sự kiện gây nhiều phấn chấn đối với nông dân Campuchia vốn còn nghèo khó. Và là cú hích cho chương trình “Tứ giác” của Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Từ chỗ chưa thể đảm bảo an ninh lương thực, chỉ trong thời gian ngắn, Campuchia đã vươn lên mạnh mẽ, tạo nhu cầu để xuất khẩu hàng hoá nông sản.

Tuy nhiên, đây cũng là một thách thức không nhỏ đối với nông dân Việt Nam nói chung và nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Lượng nông sản của vùng Đồng bằng rất lớn nhưng chủ yếu vẫn bán ở thị trường nội địa. Một khi nông sản và trái cây của Campuchia nhập vào Việt Nam với thuế suất 0% thì thị trường và lợi nhuận của nông dân sẽ gặp khó khăn.

Sự xuất hiện của 40 mặt hàng nông sản chủ lực Campuchia trên thị trường, không nhiều thì ít sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của nông dân Việt Nam, vì hai nước láng giềng và có nền sản xuất nông nghiệp khá giống nhau.

Theo ông Phan Thế Ruệ, Thứ trưởng Bộ Thương mại, Chính phủ đã cân nhắc rất nhiều trước khi quyết định cấp thuế xuất ưu đãi tuyệt đối và không hạn ngạch cho hàng nông sản Campuchia.

Quan hệ phát triển giữa hai nước giúp nông dân Campuchia có điều kiện tiêu thụ nông sản hàng hoá của mình. Việc xuất nhập khẩu hàng hoá nông sản Campuchia sẽ diễn ra tại 17 cửa khẩu của hai nước. Riêng mặt hàng gạo và thuốc lá, Chính phủ Việt Nam cũng dành thuế suất ưu đãi 0 % cho Campuchia nhưng áp dụng hạn ngạch.

Theo ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang, “Việc Chính phủ cho phép hàng nông sản Campuchia vào thị trường Việt Nam chẳng có gì ầm ĩ. Thật ra từ khi tôi còn làm Chủ tịch UBND Tỉnh An Giang, tôi đã từng cho phép hàng nông sản Campuchia được thông quan vào địa phận tỉnh An Giang”.

Ông Nhị cho biết thêm, từ nhiều năm qua, An Giang đã giúp huấn luyện kỹ thuật trồng lúa và nuôi thuỷ sản cho 2 tỉnh của Campuchia và 1 tỉnh của Lào. Trước đây năng suất lúa của Campuchia bình quân 3,5 tấn/ha, khi được An Giang chuyển giao khoa học kỹ thuật thì năng suất lúa của Campuchia nâng lên 8 tấn/ha.

“Nhưng khi thu hoạch xong bán không được, phía bạn xuống nhờ giúp và An Giang đã cho phép nông dân Campuchia mang lúa qua An Giang bán với thuế suất 0%”.

Vẫn theo lời quan chức này, nông sản Campuchia không có mặt hàng nào có thể “khuấy động” được thị trường nông sản của Việt Nam nói chung và nông sản Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng.

Hàng nông sản của hai nước thông thương sẽ tạo cho mối quan hệ hai nước ngày càng tốt và tình cảm của nhân dân hai nước cũng thắt chặt hơn. Hệ thống thương lái và xuất nhập khẩu của bạn còn yếu, nên nông sản của nông dân Campuchia làm ra bán với giá rẻ, khi được vào thị trường Việt Nam thì nông sản của họ sẽ bán được giá cao hơn.

Do đó, 40 mặt hàng nông sản của Campuchia được Chính phủ cho phép nhập vào Việt Nam, đối với nông sản và nông dân An Giang không có gì quá lo lắng. Có lẽ lo lắng chỉ là việc hàng hoá của Thái Lan tràn qua Campuchia vào Việt Nam không kiểm soát được, đặc biệt là trái cây và đường cát của Thái Lan sẽ ảnh hưởng nhiều đến thị trường.

Sở dĩ đường cát của Thái Lan rẻ hơn đường cát của ta vì năng suất mía của họ đạt 80 tấn/ha, trong khi năng suất mía của Việt Nam chỉ đạt 50 tấn/ha tại vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Để khắc phục tình trạng này và nâng khả năng cạnh tranh của mía đường Việt Nam, Chương trình mía đường của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần phải tính đến.

Ông Nhị cho rằng những mặt hàng của Campuchia không tác động đáng kể thị trường hàng nông sản Việt Nam. Sự kiện này chỉ có làm cho mối quan hệ giao hảo, thân thiện của hai nước ngày càng thêm bền chặt.