Phát hiện một hành tinh “có thể ở được” cách Trái đất 20,5 năm ánh sáng

27/Thg4/2007 10:18:44

Nằm ở vị trí có thể quay quanh ngôi sao đỏ Gl581 và cách Trái đất 20,5 năm ánh sáng, hành tinh gần giống Trái đất của chúng ta có khối lượng nhỏ nhất trong số 200 hành tinh ngoài Hệ Mặt trời của chúng ta được biết đến cho tới nay. Nó cũng là hành tinh có đồng thời một bề mặt rắn hoặc lỏng và nhiệt độ gần giống Trái đất.

 

Những điểm chung này với Trái đất của chúng ta cho phép chúng ta nghĩ đến sự tồn tại của sự sống ngoài Trái đất. Khám phá này đã được đăng tải trên Tạp chí Astronomy & Astrophysics (Tạp chí Thiên văn học và Vật lý thiên văn) số ra mới đây nhất.

 

Ngôi sao Gl581 là một ngôi sao đỏ có khối lượng không lớn. Cách Trái đất 20,5 năm ánh sáng, ngôi sao này thuộc vào một trong số 100 ngôi sao gần Hệ Mặt trời của chúng ta nhất và khối lượng chỉ bằng 1/3 khối lượng Mặt trời. Các ngôi sao thường là tâm điểm được ưu tiên nghiên cứu đối với các nhà thiên văn học, để tìm kiếm những hành tinh cạnh nó có khả năng có sự sống. Do các ngôi sao này có độ sáng kém nên các hành tinh quay quanh chúng trở nên dễ dàng được phát hiện. Hơn nữa, các ngôi sao này lại có rất nhiều trong Thiên hà của chúng ta: trong số 100 ngôi sao gần chúng ta nhất thì 80 ngôi sao có ánh sáng ít và các hành tinh quanh nó. 

 

Nhiệt độ của một hành tinh phụ thuộc đồng thời vào khoảng cách với ngôi sao gần nó và khả năng phản chiếu một phần ánh sáng mà nó nhận được từ ngôi sao. Các mô hình được các nhà nghiên cứu sử dụng cho thấy rằng nhiệt độ trung bình của hành tinh gần giống Trái đất ở trên là vào khoảng từ 0 đến 400 C. Những điều kiện này có thể cho phép sự xuất hiện của nước lỏng trên bề mặt.

 

Với khối lượng gấp 5 lần Trái đất, hành tinh này quay quanh ngôi sao Gl581 trong 13 ngày. Các mô hình tái hiện của các nhà thiên văn cho thấy rằng hành tinh này có  có đất đá như Trái đất và có bề mặt được bao phủ bởi đại dương. Lực hút của  hành tinh mới được phát hiện có thể gấp 2,2 lần lực hút Trái đất và đường kính gấp 1,5 lần đường kính Trái đất. Để có những quan sát trên, các nhà nghiên cứu đã sử dụng phổ ký (spectrographe) HARPS thế hệ mới, được đặt trong kính viễn vọng ESO có đường kính 3,6m được đặt ở La Silla (Chilê).   

 

Các nhà nghiên cứu cho biết với khám phá này, hành tinh mới được phát hiện sẽ là mục tiêu nghiên cứu được ưu tiên trong các đợt nghiên cứu về sự sống ngoài Trái đất, nhất là những nghiên cứu từu vệ tinh DARWIN.

 

(theo Le Monde, Sciences et venir và  http://www.techno-science.net. Ảnh: Mô phỏng một hệ mặt trời có chứa 3 hành tinh, trong đó có hành tinh có điều kiện tự nhiên gần giống Trái đất và được cho là có thể có nước lỏng, đất đá và sự sống)