Phát triển ngành tự động hóa: Nỗi lo nhân lực

28/Thg8/2008 09:38:47

Yếu từ khâu đào tạo...

 

Cần mở rộng các sân chơi như Robocon để sinh viên có thêm cơ hội tiếp cận với thực tế. Ảnh: MAI HẢI.

Đó là đánh giá chung của các đại biểu, nhà khoa học tại hội thảo Đánh giá thực trạng nguồn nhân lực tự động hóa (TĐH) phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH.

Từ đề tài “Nghiên cứu, đánh giá nguồn lực TĐH trong sản xuất, kinh doanh phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước”, ông Trịnh Đình Đề, Phó Chủ tịch Hội TĐH VN lý giải: “Nguồn nhân lực cho lĩnh vực công nghệ cao của VN đang rất thiếu, khan hiếm đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề. Ở cấp độ 2 đang khuyết lực lượng xuất khẩu lao động kỹ thuật cao, đây sẽ là lực lượng mang công nghệ hiện đại chuyển giao vào VN”.

Không chỉ thiếu “lượng” mà “chất” cũng chưa đạt yêu cầu. Ông Đề dẫn chứng: “Theo thống kê của Bộ LĐTB-XH thì chỉ 20% người lao động đã qua đào tạo, chưa xét đến yếu tố hiệu quả đào tạo, con số này là rất hạn chế cho một nền kinh tế đang trên đường hiện đại hóa”.

PGS-TS Nguyễn Mộng Hùng, Chủ tịch Hội TĐH TPHCM cũng cho rằng “nguyên nhân của thực trạng này là do mất cân đối trong đào tạo”. Theo TS Hùng, trong khi lĩnh vực TĐH phát triển mạnh vài năm gần đây thì công tác đào tạo nhân lực vẫn chưa kịp “cập nhật”. Các “lò” ĐH-CĐ đào tạo kỹ sư còn nặng về lý thuyết, trường nghề và TCCN lại có thời gian đào tạo quá ngắn… nên cả “thầy” lẫn “thợ” đều yếu kỹ năng ứng dụng thực tế.

Đồng tình với nhận định này, Giám đốc Công ty AUTEC - ông Trần Chí Dũng minh chứng chuyện một trường trung học chuyên nghiệp đã mua bộ thiết bị khá đắt về cho học viên thực hành, nhưng đành “trùm mền” vì không đồng bộ với các thiết bị máy móc khác của trường. “Yếu tố thiết bị thực hành lạc hậu khiến SV gặp nhiều khó khăn khi “đụng” phải những công nghệ mới, hiện đại” - ông Dũng kết luận.

Ở phía các doanh nghiệp (DN), nhiều người thừa nhận là hiện nay người lao động vẫn chưa đáp ứng trình độ kỹ thuật cao, nhất là còn yếu khả năng ngoại ngữ chuyên ngành, cho nên, đa phần doanh nghiệp đều yêu cầu sinh viên mới ra trường phải thử việc từ 3-6 tháng hoặc phải qua đào tạo lại.

Cần một tầm nhìn chiến lược!

TS Cao Đắc Hiển, nguyên trưởng khoa Công nghệ-Điện tử Trường ĐH Công nghiệp TPHCM nhấn mạnh: “Để chấm dứt tình trạng đào tạo thiếu tính dự báo như hiện nay cần phải có một tầm nhìn chiến lược mang tính đột phá ở tầm quốc gia, cụ thể hóa các chính sách đào tạo đáp ứng nhu cầu thực tế. Từ đó, các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp có cơ sở đổi mới phường pháp đào tạo. Nguồn nhân lực là một hình tháp phân làm nhiều cấp bậc thợ — công nhân — kỹ sư — chuyên gia… tùy vào cấp độ mà lựa chọn phương thức đào tạo. Trước mắt cần đáp ứng 3 yếu tố cơ bản: cán bộ giảng viên đủ trình độ, đổi mới chương trình và tài liệu đào tạo, đồng thời với xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống phòng thí nghiệm, thiết bị phù hợp với tình hình thực tế”.

Bên cạnh đổi mới cách thức đào tạo, TS Hiển lưu ý cần tăng giờ thực hành cho SV, HS từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tăng cường các họat động như cuộc thi Robocon, hội thi tay nghề… là những sân chơi “tập dượt” hữu hiệu cho người lao động trước khi “chào hàng” với DN.

Để giải quyết phần đỉnh hình tháp của bài toán đào tạo nguồn nhân lực TĐH, ông Hoàng Chí Thành,TGĐ Công ty ACE, Phó Chủ tịch hội TĐH VN đưa ra giải pháp cụ thể: “Các trường nên lắng nghe phản hồi của DN về “sản phẩm” đã qua đào tạo, cần đào tạo theo nhu cầu đặt hàng của DN, chú trọng thực hành đồ án ngay từ năm nhất, đưa anh văn chuyên ngành và các môn kinh tế học, quản lý dự án vào giảng dạy để nguồn lao động chất lượng cao thật sự đảm bảo chất lượng “sao” của mình”.

Đồng thời, mô hình trường nghề kỹ thuật cao thuộc Hội TĐH VN đang triển khai thí điểm tại Bắc Ninh là giải pháp giải quyết nhu cầu thiếu thợ trong DN. Đại biểu Lê Văn Sâm bổ sung: “VN không nên chú trọng những thành tựu công nghệ cao mà thế giới đã có, nên tận dụng những thành tựu sẵn có. Cần thành lập những trung tâm chuyển giao công nghệ, đào tạo chuyên gia giải mã công nghệ…”

Theo nhà vô địch cuộc thi Robocon châu Á — Thái Bình Dương 2006, cựu SV trường ĐH Bách khoa TPHCM Lưu Anh Tiến thì chính 2 năm mày mò sáng chế, lắp ráp robot tại cuộc thi Robocon đã giúp anh chịu khó tìm tòi, tiếp cận với nhiều công nghệ chế tạo robot tiên tiến, tự tin với kỹ năng thực hành của mình nên không bỡ ngỡ khi va vào thực tế.

Theo SGGP