Sẽ công bố cam kết gia nhập WTO?

21/Thg8/2006 14:07:15

 

Tới thời điểm hiện nay, quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam được đánh giá đang đi vào giai đoạn cuối cùng.

Đặc biệt, nếu không có thông tin rõ ràng về tương lai thì những chương trình đầu tư của doanh nghiệp sẽ hoàn toàn mạo hiểm khi Việt Nam có những cam kết mới.

Chính vì vậy, chi tiết nội dung cam kết đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam đang là điều mong mỏi của nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Dù nhận thức được yêu cầu chính đáng đó của doanh nghiệp nhưng tới thời điểm hiện nay các cơ quan liên quan vẫn chưa "trình làng" công bố cam kết.

Mới dừng lại ở những thông tin cơ bản

Lý do được ông Nguyễn Văn Long, Chánh văn phòng Uỷ ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế đưa ra tại Hội thảo doanh nghiệp Việt Nam & WTO được tổ chức hôm 17/8 là theo thoả thuận trong WTO bao giờ các bên cùng thống nhất cam kết thì mới có thể công bố.

Hiện nay, bản cam kết về việc Việt Nam gia nhập WTO đang được luân chuyển cho các đối tác thông qua và hoàn thiện. Do đó, việc công bố chi tiết cam kết tại thời điểm này sẽ vi phạm quy định của WTO. Hơn nữa, đến thời điểm hiện nay cam kết chính xác cũng chưa thể khẳng định được vì Việt Nam vẫn còn đang tiếp tục đàm phán.

Theo kế hoạch, phiên đàm phán đa phương tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 9 tới, và đây có là phiên cuối cùng hay không còn tuỳ thuộc rất nhiều vào đối tác.Mặc dù chưa thể công bố chính xác cam kết gia nhập WTO, nhưng ông Long cũng cho biết những nét cơ bản trong cam kết của Việt Nam.

Theo đó, trong cam kết đa phương, việc đầu tiên Việt Nam chắc chắn phải thực hiện khi gia nhập WTO là chấp nhận dành quy chế tối huệ quốc, quy chế đối xử quốc gia cho các nước thành viên WTO trên cơ sở có đi có lại thông qua đàm phán từng lĩnh vực cụ thể.

Việt Nam cũng phải tuân thủ tất cả các hiệp định cơ bản của WTO như: xác định trị giá tính thuế hải quan, thương mại, đầu tư, vệ sinh an toàn thực phẩm, giám định, mua sắm chính phủ...

Cam kết còn bắt buộc Việt Nam thực hiện bãi bỏ toàn bộ các biện pháp hạn chế số lượng, trợ cấp xuất khẩu. Tại phiên họp tháng 7 vừa qua, Việt Nam đã cam kết bãi bỏ trợ cấp xuất khẩu nông nghiệp kể từ thời điểm gia nhập. Đây là cam kết được các nước đối tác đánh giá rất cao vì xuất khẩu nông sản hiện vẫn đóng vai trò rất quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu của Việt Nam.

Cam kết tiếp theo là công khai minh bạch hoá các cơ chế về chính sách thương mại, tuân thủ các quy định về doanh nghiệp Nhà nước. WTO không cấm sự tồn tại của doanh nghiệp Nhà nước mà chỉ cấm phân biệt đối xử và sự độc quyền của doanh nghiệp Nhà nước.

Đàm phán song phương chủ yếu tập trung vào hai nội dung: mở cửa thị trường hàng hoá và dịch vụ. Trong mở cửa thị trường hàng hoá chủ yếu tập trung vào cắt giảm hàng rào thuế và phi thuế.

Cụ thể, Việt Nam đã cam kết cắt giảm 10.600 dòng thuế trong tổng số 11.000 dòng thuế. Đối với nông nghiệp cam kết thuế nhập khẩu bình quân của các nông sản là 21% so với mức hiện hành 31,6%, giảm đi 16%. Cam kết áp dụng an toàn vệ sinh thực phẩm các sản phẩm nông nghiệp.

Về công nghiệp, mức thuế Việt Nam cam kết mở cửa thị trường công nghiệp cho các đối tác là 12,6%. Như vậy là cắt giảm 23,9% so với mức thuế bình quân hiện nay của công nghiệp rất cao 36,5%. Việt Nam cũng cam kết xoá bỏ các hàng rào phi thuế quan trong nông nghiệp, công nghiệp.

Một nội dung nữa trong đàm phán song phương về mở cửa thị trường là lĩnh vực dịch vụ. So với trình độ phát triển chung trên thế giới, các ngành dịch vụ của Việt Nam còn hạn chế. Tổng đóng góp vào GDP của ngành dịch vụ Việt Nam xấp xỉ 41- 42%, trong khi đó ở các nước phát triển tỉ lệ này là + 70%. Các đối tác Việt Nam đàm phán là những đối tác có ngành dịch vụ phát triển nên họ có yêu cầu rất lớn về mở cửa thị trường dịch vụ.

Cuối cùng, Việt Nam cam kết mở cửa 11 ngành trong tổng số 12 ngành dịch vụ theo phân loại của WTO. Trong 12 ngành, WTO chia ra làm 155 phân ngành và Việt Nam cam kết 110 phân ngành trong đó có những ngành rất nhạy cảm như ngân hàng, bảo hiểm, bưu chính viễn thông, giao thông vận tải...

Nhìn nhận thấu đáo thuận lợi

Để  soạn thảo chương trình hành động cũng như cần làm gì khi gia nhập WTO, theo ông Long, phải nhìn nhận trên cơ sở phân tích thấu đáo những thuận lợi và thách thức trong quá trình gia nhập WTO.

Có thể khẳng định gia nhập WTO mang đến cơ hội to lớn cho kinh tế-xã hội của Việt Nam cũng như thời cơ cho doanh nghiệp tận dụng để thực hiện các kế hoạch sản xuất kinh doanh của mình. Cơ hội được xuất hiện dưới dạng tiềm năng. Việc có tận dụng được các cơ hội đó hay không lại phụ thuộc vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Theo ông Long, cơ hội đó không bất biến mà thay đổi theo thời gian. Ví dụ như yếu tố giá nhân công rẻ, chi phí sản xuất thấp... có thể trong thời gian tới sẽ mất đi và một số cơ hội khác lại xuất hiện.

"Chúng ta phải nhận thức rằng việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách, nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ góp phần phát huy cao độ cơ hội do việc gia nhập WTO mang lại", ông Long nói.

Bên cạnh đó các doanh nghiệp cũng đón nhận được những cơ hội cụ thể như: hưởng ưu đãi về thương mại, tránh tình trạng phân biệt đối xử, mở rộng thị trường và tăng cường xuất khẩu, tăng thu hút đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ kỹ thuật cao, nâng cao vị thế trong thương mại quốc tế,...

Cơ hội xem ra không nhỏ nhưng trên thực tế vẫn còn tồn tại những thách thức. Vấn đề được ông Long chỉ ra là công tác xây dựng luật được đẩy mạnh theo yêu cầu của WTO so với hiện trạng văn bản luật vẫn còn khoảng cách. Nhiều văn bản luật của chúng ta ban hành ra chưa triển khai được ngay mà phải chờ đợi văn bản dưới luật.

Đi sâu hơn vào những trường hợp cụ thể, ông Long còn chỉ ra hàng loạt bất cập như: một nhà đầu tư cần 50 ngày để hoàn thành một khâu thủ tục thành lập doanh nghiệp, để biến ý tưởng kinh doanh thành hiện thực trung bình mất 260 ngày qua các thủ tục hành chính, xử lý một tranh chấp hợp đồng mất 343 ngày và qua 37 thủ tục và chi phí lên đến 30% trên giá trị đòi được trong tranh chấp.

Hay như trong Luật Đầu tư, ưu đãi đầu tư dựa vào kế hoạch kinh doanh của nhà đầu tư trình lên trong khi ở các nước khác ưu đãi dành cho nhà đầu tư lại dựa vào kết quả kinh doanh của nhà đầu tư, tức là ưu đãi thực hiện sau quá trình kinh doanh hoạt động của nhà đầu tư chứ không đưa ra trước theo kế hoạch và mô hình phát triển trên giấy của nhà đầu tư.

Thách thức tiếp theo cho các doanh nghiệp được ông Long đưa ra là cạnh tranh của hàng hoá dịch vụ của Việt Nam nói chung còn thấp. "Các doanh nghiệp của Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đầu tư tài sản cố định cho một người công nhân của doanh nghiệp vừa và nhỏ là 43 triệu đồng trong khi doanh nghiệp FDI 247 triệu đồng", ông đưa ra ví dụ.

Tới thời điểm hiện nay, quá trình đàm phán gia nhập WTO của Việt Nam được đánh giá đang đi vào giai đoạn cuối cùng. Chính phủ đang tập trung chỉ đạo các ban ngành để chuẩn bị công bố tất cả những cam kết của Việt Nam đối với các đối tác song phương cũng như đa phương trong quá trình đàm phán gia nhập WTO.

Mức cam kết hiện tại và tối thiểu về mở cửa thị trường nông nghiệp

Một số nước trước đây đã dành ưu đãi cho việc nhập khẩu một số lượng nhất định nông sản nhiệt đới bằng cách cho hưởng thuế quan thấp hoặc thậm chí bằng 0%. Sau khi thuế quan hoá, thuế suất của các mặt hàng này tăng lên đáng kể.

Để đảm bảo quyền lợi của những nước xuất khẩu, các mặt hàng nông sản đã được hưởng ưu đãi trước đây, nước nhập khẩu với mức thuế suất trong hạn ngạch rất thấp, còn thuế suất ngoài hạn ngạch bằng thuế suất sau khi đã thuế quan hoá. Mức hạn ngạch thuế quan này căn cứ trên số lượng hàng nông sản nhập khẩu được hưởng ưu đãi và gọi là mức cam kết hiện tại về mở cửa thị trường.

Liên quan đến mức cam kết tối thiểu: một số sản phẩm như sữa, thịt, rau quả trước đây đã từng được bảo hộ bằng những biện pháp ngặt nghèo đến mức sản phẩm của nước ngoài gần như không thể nhập khẩu vào những nước có sự bảo hộ cao như vậy. Hiệp định nông nghiệp yêu cầu những nước này phải mở cửa thị trường cho nông sản nhập khẩu bằng cách dành hạn ngạch thuế quan ở mức ít nhất bằng 3% lượng tiêu thụ trong nước thời kỳ 1986-1988.

Con số 3% này chính là mức cam kết tối thiểu về mở cửa thị trường nông sản. Các nước phát triển phải nâng con số này lên 5% vào cuối năm 2000, còn với các nước đang phát triển thì thời hạn là năm 2004. Trong trường hợp này để đảm bảo giá trị của cam kết tối thiểu thuế suất trong hạn ngạch thường không được quá 1/3 thuế suất ngoài hạn ngạch.

(Nguồn: Bộ Thương mại)

Cam kết cụ thể về lĩnh vực dịch vụ là các cam kết như thế nào? Tại sao bản cam kết dịch vụ lại chỉ nêu ra hạn chế về mở cửa thị trường và đãi ngộ quốc gia mà không phải là hạn chế về lĩnh vực gì khác?

Các cam kết cụ thể là những cam kết chỉ áp dụng riêng cho từng ngành dịch vụ. Tại mỗi ngành dịch vụ, các cam kết này được thể hiện qua 4 phương thức cung cấp dịch vụ (cung cấp qua biên giới, tiêu thụ ở nước ngoài, hiện diện thương mại, hiện diện thể nhân). Do đặc thù của từng ngành dịch vụ nên nội dung cam kết ở mỗi ngành có thể rất khác nhau.Các cam kết cụ thể có thể là sự chi tiết hoá của cam kết chung, nêu lên những hạn chế hoặc điều kiện cụ thể hơn đối với từng ngành dịch vụ.

Ví dụ, nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài muốn thành lập liên doanh trong ngành dịch vụ khách sạn phải có tỷ lệ góp vốn của bên nước ngoài không quá 70%, nhưng nếu lập liên doanh trong ngành dịch vụ đại lý lữ hành thì tỷ lệ vốn nước ngoài không được quá 40%.

Một ví dụ khác, trong ngành dịch vụ quảng cáo, bên nước ngoài chỉ được lập liên doanh với đối tác thuộc danh sách do nước chủ nhà đưa ra.Để trả lời câu hỏi trong bản cam kết dịch vụ chỉ nêu ra 2 hạn chế, cần phân biệt được sự khác nhau giữa thương mại hàng hoá và thương mại dịch vụ, từ đó th y được sự khác nhau trong việc bảo hộ thị trường dịch vụ.

Do không có thuế quan đánh trực tiếp vào việc xuất, nhập khẩu dịch vụ nên muốn hạn chế hoạt động của các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài, bảo hộ các nhà cung cấp dịch vụ trong nước, nước chủ nhà có thể đề ra những biện pháp, điều kiện để khống chế các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài tại hai thời điểm: một là, khi nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài muốn được phép cung cấp dịch vụ và được có mặt tại nước chủ nhà để cung cấp dịch vụ và hai là, sau khi họ đã được phŠp cung cấp dịch vụ và đã có mặt tại nước chủ nhà.

Những điều kiện nêu ra ở thời điểm thứ nhất chính là những hạn chế về mở cửa thị trường. Nếu không đáp ứng được những điều kiện này thì nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài không được phép cung cấp dịch vụ tại nước chủ nhà. Những điều kiện nêu ra ở thời điểm thứ hai chính là những hạn chế về đãi ngộ quốc gia. Những điều kiện này tạo ra sự phân biệt về đối xử giữa nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài với nhà cung cấp dịch vụ trong nước, gây khó khăn hơn cho các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài.

Một nước có thể nêu ra điều kiện ở thời điểm thứ nhất mà không nêu ra điều kiện ở thời điểm thứ hai, hoặc ngược lại, hoặc cả trước và sau khi doanh nghiệp nước ngoài được phép cung cấp dịch vụ trong nước.