Tăng cường vai trò của Hiệp hội trong việc hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

18/Thg12/2014 08:46:27

Các ý kiến trong Hội thảo đều khẳng định hiệp hội có vai quan trong trong sự phát triển bền vững của DN

Cơ hội và thách thức đối với các Hiệp hội và DN Việt Nam

Trong quá trình phát triển và hội nhập quốc tế, các DN Việt Nam luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, yếu tố cạnh tranh và mức độ tăng trưởng cao đã khiến nhiều DN trở nên bị động trước tình hình kinh tế mới. Chính vì vậy, việc phát triển bền vững là một xu thế tất yếu của DN. Các DN cần phải tìm ra được cho mình những phương thức mới để cạnh tranh, tồn tại và mở rộng phát triển kinh doanh sản xuất. Trước những yêu cầu đó, Hiệp hội các DN luôn đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm các giải pháp để phát triển bền vững thông qua các hoạt động truyền thông, đào tạo, xúc tiến thương mại và hợp tác quốc tế.

Trong Chiến lược kinh tế quốc gia của những năm qua, Các DN luôn được coi là động lực chính giúp thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nước ta liên tục tăng trưởng. Tuy nhiên, ngoài những kết quả đạt được DN Việt Nam cũng phải gánh chịu nhiều tác động xấu từ những tổn hại do tiêu cực của nền kinh tế trong nước và thế giới gây ra đối với môi trường, xã hội và hậu quả của viêc phát triển kinh tế bằng mọi giá.

 Gần đây phát triển bền vững đã trở thành đường lối chủ đạo của nền kinh tế quốc gia, điều này được cụ thể hóa trong nhiều chương trình, kế hoạch về phát triển nền kinh tế đất nước theo hướng CNH - HĐH. M­­ặc dù ngày càng có nhiều công ty tham gia hưởng ứng phấn đấu hướng tới sự phát triển bền vững, nhưng nhìn vào số lượng tổng thể của DN thì đại đa số lại chưa biết hoặc chưa thật sự hiểu rõ nhiều về các nguyên tắc phát triển bền vững. Trong khi đó trong “Chiến lược phát triển doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020”, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam phải thực hiện được nhiệm vụ của Chính phủ giao cho là phối hợp chặt chẽ cùng các hiệp hội thực hiện việc tuyên truyền vận động DN tham gia vào công cuộc phát triển bền vững của đất nước.

Ông Trương Phan Việt Thắng, Trưởng Ban Thư ký, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển bền vững Việt Nam cho rằng: “Hiện nay nước ta có hơn 400 hiệp hội DN và hiệp hội ngành nghề với số lượng hội viên chiếm khoảng 70% số lượng DN trong cả nước. Điều này cho thấy tiềm năng của các hiệp hội trong việc phát triển bền vững cộng đồng DN là rất lớn. Tuy nhiên điều trên cũng đặt ra nhiều thách thức cho các hiệp hội. Việc gia tăng nhu cầu hỗ trợ của các DN khiến cho các hiệp hội trở nên bị động do tài chính và nhân lực hạn hẹp. Vấn đề tư vấn công nghệ kinh doanh, hỗ trợ DN trong các tranh chấp quốc tế, dự báo và thích ứng với các xu hướng hội nhập vẫn chưa được chú trọng và không phải hiệp hội nào cũng đủ khả năng giải quyết được những yêu cầu trên”.

DN Việt Nam rất cần hỗ trợ về chính sách pháp lý từ Nhà nước và sự liên kết chặt chẽ giữa các Hiệp hội ngành nghề với các cơ quan chủ quản và các tổ chức quốc tế (Ảnh minh họa nguồn Internet)

Khẳng định vai trò của Hiệp hội với DN

Hiện nay, nhu cầu gia nhập vào các hiệp hội của các DN đang rất lớn, bởi lẽ DN khó có thể tồn tại độc lập được trên thị trường đang có nhiều biến động. Hơn nữa một mình DN không thể chống chọi được với các trường hợp xấu xảy ra điển hình như các vụ kiện về chất lượng sản phẩm, về phá giá trong nước và Quốc tế. Mặt khác các DN Việt Nam rất cần có sự hỗ trợ về chính sách pháp lý của Nhà nước và sự liên kết chặt chẽ giữa các hiệp hội ngành nghề với các cơ quan chủ quản và các tổ chức quốc tế.

Phải khẳng định rằng, để có thể tạo được sự phát triển bền vững cho DN thì vai trò của các hiệp hội là vô cùng quan trọng. Từ việc nâng cao nhận thức cho các hội viên đến việc tạo ra cầu nối trao đổi kinh nghiệm, khoa học kĩ thuật giữa không chỉ DN trong nước với nhau mà còn cả với DN quốc tế đều rất cần thiết. Tuy nhiên các hiệp hội cần khẳng định hơn nữa vai trò của mình là nâng cao nhận thức cho các hội viên về phát triển bền vững. Đây là lĩnh vực tiềm năng và là sứ mệnh của các hiệp hội đối với hội viên của mình. Thông qua các kênh thông tin, hợp tác của các hiệp hội, nhờ đó mà DN có thể nắm bắt được rõ ràng lợi ích to lớn của việc phát triển bền vững. Cần chỉ rõ lợi ích của phát triển bền vững cho hội viên, điều này không những giúp tăng lợi nhuận, tăng năng suất lao động, tăng khả năng giữ và thu hút lao động chất lượng cao mà còn giúp DN nâng cao thương hiệu và uy tín lâu dài của mình.

TS. Nguyễn Thị Tòng - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: “Các hiệp hội nên chú ý nhiều hơn đến các vấn đề hỗ trợ hội viên mở rộng và phát triển kinh doanh, kết nối giao thương, xúc tiến đầu tư thương mại, hợp tác quốc tế, cung cấp thông tin, tổ chức các hoạt động đào tạo tập huấn, các diễn đàn trao đổi hợp tác và hội nghị, hội thảo cho hội viên. Ngoài ra còn phải mở rộng hơn nữa quan hệ với các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi Chính phủ nhằm nắm bắt được xu hướng phát triển kỷ thuật, công nghệ mới để hỗ trợ các DN… Nếu khẳng định được những vai trò cơ bản trên thì các hiệp hội sẽ là điểm tựa và là cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững của DN”

Trong “Kế hoạch tầm nhìn về sự phát triển bền vững cho các DN đến năm 2050” của Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới khởi xướng, Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam đã lập ra các nhóm kế hoạch hành động chiến lược đến năm 2020. Theo đó các hội viên của các hiệp hội sẽ được hỗ trợ ở các lĩnh vực ưu tiên, cụ thể như: Tìm giải pháp tiết kiệm năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hâu; tổ chức các khóa đào tạo phổ biến chia sẻ kiến thức thông tin kinh nghiệm các mô hình thực hiện tốt về phát triển bền vững cho DN là hội viên; Là cầu nối giữa hội viên với các cơ quan Chính phủ  nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan về chính sách, pháp luật.

Trước nhiều yêu cầu cấp thiết đặt ra cho DN Việt Nam trong điều kiện nền kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay, Hội thảo “Tăng cường vai trò của các Hiệp hội trong việc hỗ trợ DN phát triển bền vững” đã cho thấy một cái nhìn cụ thể về cơ hội và thách thức đối với các hiệp hội và DN Việt Nam, đồng thời cũng khẳng định rõ hơn vai trò quan trọng của các hiệp hội trong sự phát triển bền vững của DN. Hội thảo kết thúc đã mở ra nhiều hướng phát triển mới cho DN, ta ra được nhiều kênh hợp tác về kinh tế, khoa học kĩ thuật cho các DN trong nước với nhau và hợp tác với các đối tác quốc tế như Đức, Nhật và Liên bang Nga.

Số 166 (12/2014)♦Tạp chí tự động hóa ngày nay