Tình hình sâu bệnh hại lúa

17/Thg7/2006 10:00:01

Trên lúa Hè Thu hiện diện ở các giai đoạn mạ, đẻ nhánh, làm đòng, trổ, chín, thu hoạch. Các đối tượng gây hại phổ biến là:

- Bệnh cháy lá: tổng diện tích bị nhiễm bệnh đạo ôn lá là 38.346 ha, tăng 8.236 ha so với tuần qua, tỷ lệ nhiễm bệnh trung bình từ 10-15% và khoảng 1.753 ha có tỷ lệ nhiễm bệnh từ 25-40%.

- Rầy nâu: Diện tích nhiễm rầy nâu ở các tỉnh phía Nam trong tuần qua là 51.258 ha giảm 9.763 ha so với tuần trước, trong đó:

+ Trên lúa Hè Thu: diện tích nhiễm rầy nâu trong tuần là 41.194 ha tăng 13.773 ha. Mật số rầy bình quân 1.000-2000con/m2, có 561 ha mật số rầy cao trên 6.000con/m2, diện tích có mật số rầy cao giảm so với tuần trước. Tuổi rầy phổ biến 2-5 tuổi, một ít rầy trưởng thành.

+ Trên lúa Thu Đông ở các tỉnh ĐBSCL: tổng diện tích nhiễm trong tuần là 10.064 ha, tăng 4.010ha. Mật số rầy bình quân là 1.000-1.500 con/m2, 336 ha mật số rầy trên 3.000con/m2, xuất hiện chủ yếu trên lúa giai đoạn đẻ nhánh.

- Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá:

+ Trên lúa Hè Thu: Tổng diện tích nhiễm trong tuần 4.929,6 ha, tăng 2.297,6 ha so với tuần qua.

+ Lúa Thu Đông xuất hiện phổ biến trên lúa giai đoạn đẻ nhánh ở một số tỉnh ĐBSCL. Tổng diện tích nhiễm trong tuần là: 7.067 ha, tăng 3.020 ha so với tuần qua.

- Ngoài ra còn có các đối tượng khác như sâu cuốn lá, bọ trĩ, OBV, đốm vằn, cổ bông lem lép hạt, chuột, sâu phao, sâu đục bẹ.

Dự kiến tình hình sâu bệnh đến ngày 17/07/2006:

- Bệnh cháy lá: do điều kiện thời tiết rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá phát triển, nên bệnh đạo ôn lá có chiều hướng gia tăng trên trà lúa đẻ nhánh đến làm đòng.

- Rầy nâu: do ảnh hưởng của mưa, rầy nâu có thể giảm mật số tuy nhiên rầy nâu là đối tượng dịch hại nguy hiểm do chúng truyền các bệnh virus cho lúa như bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá do đó cần hết sức lưu ý quản lý tốt rầy nâu. Tránh sử dụng thuốc có phổ tác động rộng sẽ làm rầy nâu tái phát và sẽ truyền các bệnh virus với tỷ lệ cao hơn.

- Bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá: bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá có thể sẽ tiếp tục lây lan trên các trà lúa Thu Đông đã và đang tiếp tục gieo cấy.

Vì vậy cần phòng ngừa tốt bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá bằng cách:

1. Tuyệt đối không sử dụng thuốc trừ sâu có phổ tác động rộng trên ruộng lúa; ứng dụng chương trình 40 ngày đầu không phun thuốc trừ sâu ăn lá.

2. Áp dụng tốt chương trình “3 giảm 3 tăng”.

3. Quản lý tốt rầy nâu: khi cần phun rầy nâu, chọn đúng thuốc đặc trị rầy nâu và bảo đảm phun thuốc theo “4 đúng”.

4. Khi phát hiện lúa bị bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá cần tiến hành:

+ Nhổ bỏ tiêu huỷ cây lúa bị bệnh.

+ Phun thuốc trừ rầy nâu ngay trên ruộng có dấu hiệu nhiễm bệnh nếu thấy có rầy nâu.

+ Tuyệt đối không duy trì cây lúa bệnh trên đồng ruộng, vì đây là nguồn lây lan mầm bệnh.

+ Phải có biện pháp cắt thời vụ cụ thể, không để lúc nào cũng có thức ăn cho rầy nâu làm cầu nối lan truyền từ vụ này sang vụ khác.

Ngoài ra cần chú ý đến các đối tượng sâu cuốn lá nhỏ, OBV, chuột, bệnh đốm vằn, lem lép hạt, vàng lá, sâu đục bẹ.