VAA cam kết đồng hành để doanh nghiệp sản xuất nâng cao trình độ công nghệ

18/Thg9/2018 16:33:39

Phát biểu khai mạc, TS Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết: Diễn đàn là nơi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ nêu lên nhu cầu công nghệ, những vướng mắc trong quá trình triển khai công nghệ, qua đó, đơn vị tổ chức cũng như các viện trường có thể kết nối với nhau để cùng đưa ra giải pháp. Với vai trò là đơn vị khởi xướng diễn đàn, TS Kum Dongwha, Viện trưởng Viện V-KIST khẳng định, qua sự kiện này V-KIST cũng mong muốn tìm kiếm được các doanh nghiệp Việt Nam có thế mạnh để trở thành đối tác của V-KIST”.
Diễn đàn với sự tham gia của các doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, doanh nghiệp sản xuất, viện, trường và đại diện một số cơ quản quản lý nhà nước. Qua thảo luận cho thấy việc doanh nghiệp phấn đấu để đưa ra được giải pháp công nghệ đáp ứng nhu cầu thị trường đã khó, nhưng đưa được KHCN vào với doanh nghiệp sản xuất còn khó hơn mặc dù đầu tư đổi mới công nghệ hiện nay đang là yêu cầu của cạnh tranh.

Ông Đinh Văn Hiến - Tổng Giám đốc Công ty DKNEC cho biết, theo khảo sát thực tế hiện với các doanh nghiệp có vốn từ 800 - 1000 tỷ thì mức độ đầu tư tự động hóa đến mức DCS là rất cao, dưới mức đó họ đầu tư khoảng 80% DCS. Còn các nhà máy xây dựng cách đây 10 năm trở về trước thì nay cũng cần đầu tư đổi mới công nghệ mới theo kịp yêu cầu của sản xuất cạnh tranh. Họ họ không thể thực hiện ngay 100% hạng mục mà hiện đại hóa theo từng phần. Tuy nhiên, “Để đưa được sản phẩm công nghệ tự động hóa vào doanh nghiệp sản xuất thì cái khó nhất là thay đổi được tư duy của người đứng đầu”. Ông Hiến lấy vì dụ từ Công ty DKNEC, gần 18 năm hoạt động trong lĩnh vực Tự động hóa, Công ty DKNEC đã tích hợp triển khai nhiều giải pháp công nghệ cho các nhà máy sản xuất và đã tâm huyết nghiên cứu phát triển một số giải pháp công nghệ có hàm lượng chất xám cao của nội lực cán bộ công ty. Ví dụ như bộ giải pháp DME, giúp tự động hóa được khâu quản trị tài nguyên doanh nghiệp, phù hợp với nhu cầu của từng doanh nghiệp. Nhưng hiện chỉ đếm đầu ngón tay số doanh nghiệp đã sử dụng giải pháp này của DKNEC.
Là công ty nhận đầu bài của khách hàng và thiết kế sản phẩm cho khách hàng, Autotech hiện nay là một trong số ít doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng được yêu cầu cung cấp dây chuyền tự động hóa cho các nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ. Bà Phạm Thu Hương - Tổng Giám đốc công ty cho biết, khách hàng của AutoTech chủ yếu là doanh nghiệp FDI vì họ đang có nhu cầu giảm nhân công làm việc thủ công. Các doanh nghiệp trong nước thì dường như lãnh đạo vẫn nhìn thấy việc sử dụng nhân công là rẻ hơn mặc dù thực tế sản xuất đòi hỏi cần tự động hóa. Bà Hương cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp cần nhìn thấy được lợi ích dài hơi của việc đầu tư công nghệ.
Theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng thế giới, Việt Nam đang là điểm đến và là công trường của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Thế kỷ 21. Tuy nhiên, trong phần thảo luận của mình, bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội các doanh nghiệp Điện tử Việt Nam thì các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử của Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hầu hết thiếu vốn và nguồn lực để đầu tư vào dây chuyền sản xuất hiện đại. Chính vì vậy việc tự nâng cao năng lực của doanh nghiệp là điều rất quan trọng.

Với vai trò là đơn vị phối hợp tổ chức diễn đàn, ông Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam đánh giá cao ý tưởng của V-KIST lần này và mong muốn sau này V-KIST sẽ còn nhiều diễn đàn theo định kỳ và theo từng chuyên đề cụ thể. Ông Nguyễn Quân cũng nhận định qua diễn đàn lần này thấy có ba vấn đề cần suy nghĩ cho các diễn đàn lần sau: Một là nhận diện xem chúng ta đang ở đâu trong CMCN 4.0 từ đó lựa chọn lĩnh vực ưu tiên phát triển; Thứ hai là để đưa được tự động hóa vào sản xuất thì cần nhất là lãnh đạo doanh nghiệp nhận thức được vai trò của KHCN trong sản xuất kinh doanh hiện nay; Thứ balà Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam tốt hơn nữa, lâu nay phần ưu đãi nhiều hơn thuộc về doanh nghiệp FDI. Làm được như vạy doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam mới có cơ hội phát triển.
Về phía Hội Tự động hóa Việt Nam, ông Nguyễn Quân khẳng định sẽ làm tổ chức kết nối giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp để đưa tự động hóa vào sản xuất, đặc biệt VAA đang có nhiều hợp tác chặt chẽ với các hiệp hội và doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu để có thể đưa tự động hóa vào sản xuất ngày càng nhiều, càng hiện đại, làm sao theo kịp với cuộc cách mạng 4.0. “Tuy nhiên, khả năng mà chúng ta có thể làm chủ được công nghệ cũng như nội địa hóa được sản phẩm tại Việt Nam theo cách giai đoạn đầu vẫn mang thương hiệu các công ty lớn trên thế giới nhưng dần dần sẽ có những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam sẽ còn là con đường rất dài”. Do đó theo ông Nguyễn Quân, diễn đàn hôm nay là tiền đề tốt để VAA cùng các doanh nghiệp tự động hóa Việt Nam, viện nghiên cứu, trường đại học, Viện V-KIST tạo cầu nối để có thể đặt hàng các giải pháp nghiên cứu ứng dụng tốt. VAA cam kết đồng hành cùng doanh nghiệp, phối hợp cùng V-KIST để tạo ra được các sản phẩm made in Việt Nam.

Theo Bảo Hà, Tự động hóa ngày nay, số tháng 9