Về chiến lược phát triển ngành Tự động hoá và các lĩnh vực liên quan

23/Thg6/2010 09:29:58

Các nội dung và những đề tài cần thực hiện đảm bảo bám sát chiến lược thể hiện được Khoa học công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế đất nước, trong đó phải coi Tự Động Hóa là hạt nhân tác động trực tiếp lên sản phẩm quốc gia.

I. Tạo ra sản phẩm Công nghệ cao: Phần mềm Tự Động Hóa
Trong tất cả các các nhà máy hiện đại có ở Việt Nam và trên thế giới đều bị chi phối bởi hệ thống điều khiển hiện đại trong đó phần mềm hệ thống Tự động hoá chiếm vị trí số 1. Phần mềm TĐH chế ngự các hệ thống trong toàn bộ dây chuyền sản xuất, phần mềm này còn hỗ trợ hệ thống quản lý đảm bảo phát huy cao hiệu suất của quá trình sản xuất về tính an toàn, đảm bảo vận hành liên tục thông qua dự báo và lập kế hoạch duy tu bảo dưỡng.
Phát triển phần mềm hệ thống Điều khiển sẽ tạo cho ta chuyển nhanh vào kinh tế tri thức. Trí thức Việt Nam thông qua hoạt động trực tiếp trong lĩnh vực Công nghệ cao đóng góp và đảm bảo cho các ngành công nghiệp Việt Nam phát triển tạo ra sản phẩm mang thương hiệu Việt. Làm chủ được công nghệ cao (trong đó công nghệ điều khiển là quan trọng nhất) là đảm bảo cho sản xuất hàng hoá tăng nhanh và chất lượng tăng trưởng của kinh tế quốc dân được nâng cao và bền vững.
Muốn phát triển và tạo được phần mềm Tự động hoá nhãn hiệu Việt là một quá trình khó khăn, phức tạp về nhiều mặt, nhưng trong bối cảnh hiện nay nếu có biện pháp tốt có thể thực hiện thành công việc đi tắt đón đầu trong lĩnh vực công nghệ cao này. Để làm được điều này Tự động hoá phải phối hợp cùng nhiều ngành khác như: Công nghệ thông tin, điện tử, điện, cơ khí (Cơ - Điện tử) mà hiện nay các ngành này đang thực hiện gia công theo đơn hàng nước ngoài là chủ yếu và thực tế là các ngành trên hiện nay không có hướng phát triển. Nói một cách khác phần mềm TĐH được coi là sản phẩm chủ lực của KHCN, nếu phát triển được nó sẽ kéo theo nhiều ngành  nghề khác cùng phát triển.
Đề xuất: Thành lập Trung tâm công nghệ phần mềm TĐH tiến hành nghiên cứu ứng dụng vào những vấn đề đang được quan tâm hiện nay:
1. Hệ thống điều khiển sản xuất Xi măng theo hướng phát triển nội lực phục vụ sản xuất và tạo sản phẩm đầu tay về TĐH thương hiệu Việt.
Hiện nay có 01 đề tài thuộc Chương trình quốc gia về Thiết kế chế tạo dây chuyền sản xuất xi măng lò quay công suất 1,5 triệu tấn/năm. Đây là cơ hội để có thể đầu tư nâng cấp hệ thống TĐH thành sản phẩm công nghệ cao mang thương hiệu Việt vì địa chỉ ứng dụng đã sẵn sàng (trong đề án hiện nay chỉ mới đặt ở mức thiết kế hệ thống điều khiển dây chuyền sản xuất trên nền phần mềm của nước ngoài).
2. Hệ thống TĐH trong phát triển Nguồn năng lượng: phát và phân phối cân bằng phụ tải trong điều kiện nguồn điện còn chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng. Về nguồn năng lượng đang là vấn đề lớn không chỉ của một quốc gia, việc sản xuất và phân phối đặt ra nhiều hướng để nghiên cứu và giải quyết, làm sao để toàn bộ hệ thống đáp ứng được nhu cầu sử dụng mà vẫn an toàn, đồng thời hiệu suất đầu tư cao. Tự động hóa có thể tham gia cùng ngành năng lượng giải quyết vấn đề nêu trên dựa vào phát triển phần mềm điều khiển và tạo lập hệ thống TĐH để thực hiện các chức năng của ngành sản xuất và cung cấp điện.
3. Các hệ điều khiển phục vụ Nông nghiệp công nghệ cao theo hướng phát triển Chiến lược quốc gia đảm bảo nước ta đứng hàng đầu trong những nước phát triển nông nghiệp không chỉ bằng số lượng mà còn nâng cao giá trị của hàng hoá xuất khẩu. TĐH có thể cùng với công nghệ nông nghiệp, ngành cơ khí, CNTT, có thể tạo ra sản phẩm trọn gói ngang tầm với sản phẩm cùng tính năng của thế giới mà giá thành giảm hơn nhiều. Đó là điều có thể làm được trong điều kiện hiện nay của Việt Nam. Trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề khác như bảo quản, chế biến cũng có thể phối hợp có tổ chức tạo ra được sản phẩm công nghệ cao mà trước đây sự hợp tác không có sự chỉ đạo thống nhất của quốc gia, các đơn vị tự lo lấy nên không làm được, dẫn đến những quyết định  nhập các dây chuyền sản xuất là dễ dàng và đơn giản.
4. Với việc tập trung được các nhà khoa học các chuyên gia giỏi nhiều kinh nghiệm trong vận hành và bảo trì bảo dưỡng các hệ thống tự động hóa tại các cơ sở sản xuất chúng ta sẽ làm được công việc giải mã công nghệ, trong điều khiển chính là phần mềm TĐH.
Tóm lại tạo ra sản phẩm công nghệ cao trong điều kiện “thế giới phẳng” là có thể thực hiện được. Vấn đề cốt lõi ở đây là Nhà nước phải đầu tư và có chỉ đạo thống nhất, trên cơ sở đó mới tập hợp được các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi mới thực hiện sự phối hợp trên.

II. Tổ chức hội đồng tư vấn công nghệ cao.
Hội đồng có nhiệm vụ ra đề bài hướng về các bài toán của chiến lược Khoa học công nghệ và để phát huy trí tuệ các nhà khoa học tìm lời giải về các lĩnh vực:
1. Đầu tư phát triển ngành Cơ điện tử  và thiết kế chế tạo Robot thông minh.
Đây là hướng của phát triển ngành cơ khí trong tương lai phù hợp với Việt Nam
2. Thiết kế chế tạo Thiết bị công nghệ cao (có chọn lọc dựa vào giá trị kinh tế, lợi thế về công nghệ và nhân lực) trong lĩnh vực:
• Thiết kế chế tạo các module điều khiển theo chuẩn quốc tế để ghép nối với hệ điều khiển của ta và của các hãng trên thế giới. Sản phẩm loại này có tính khả thi cao vì hiện nay các cơ sở sản xuất điện tử của ta được trang bị khá mạnh có thể làm ra được các thiết bị điều khiển. Thiết bị điều khiển có thị trường rất lớn vì số lượng doanh nghiệp sản xuất hàng hóa sẽ còn tăng lên nhiều trong tương lai. Thiết bị phần cứng này sẽ hỗ trợ cho sản phẩm phần mềm như đã nêu ở trên.
• Thiết kế chế tạo các thiết bị vận chuyển thân thiện với môi trường như xe chạy điện, dùng năng lượng mặt trời là một hướng đi phù hợp có khả năng phối hợp được nhiều lĩnh vực với nhau...
• Thiết kế chế tạo các phần tử chấp hành có chọn lọc như các động cơ điện từ trở, cervo moto dùng trong điều khiển có giá trị cao về kinh tế và về học thuật.
3. Chọn lọc các hệ thống thiết bị máy móc hiện có để nâng cấp hệ điều khiển theo hướng thông minh hóa, làm nổi bật giá trị của TĐH đối với sản xuất, đời sống xã hội và môi trường


III. Đào tạo nguồn nhân lực thực sự phục vụ
1. Thành lập Trung tâm cấp chứng chỉ hành nghề về Tự động hoá. Trung tâm này sẽ đảm nhận một phần việc cung ứng nhân lực theo các Hợp đồng mà cơ sở sản xuất yêu cầu.
Trung tâm sẽ lấp chỗ trống hiện nay là đào tạo không đáp ứng cung cấp người có tay nghề cao (công nhân, kỹ sư) theo yêu cầu của sản xuất.
2. Thành lập Hội đồng khoa học Tự động hoá của ngành và liên ngành nhằm thực hiện tư vấn phản biện, đề xuất hướng phát triển, trong đó chú trọng đến việc đảm bảo cho đầu tư Khoa học công nghệ đúng hướng như Chiến lược đã được phê duyệt
3. Xây dựng nội dung chương trình đào tạo của ngành TĐH và các ngành liên quan nhằm cân đối hợp lý giữa đào tạo Đại học, dạy nghề, đầu tư và  khai thác môi trường kỹ thuật hiện có (ở trong, ngoài trường học, ở trong và ngoài nước) phục vụ cho việc nâng cao kỹ năng nghề của học viên. Chương trình nâng cao và cập nhật những tiến bộ KHCN của thế giới cho người khai thác vận hành các dây chuyền sản xuất cũng là một việc phải được chú trọng.
Trên đây là những đề xuất về chiến lược KHCN đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 do những nhà khoa học, những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực TĐH và liên quan đề xuất.
Đã từ lâu trong các văn bản của Đảng, Nhà nước đề cập và nhấn mạnh vai trò của KHCN với phát triển đất nước, nhưng các chủ trương chính sách không vào cuộc sống được vì nền kinh tế thị trường không chấp nhận KHCN của ta còn yếu kém. Trên thực tế kinh tế nước nhà vẫn phát triển có những năm rất đáng tự hào. Bởi vì các nhà sản xuất và kinh doanh đang dựa vào trang thiết bị nước ngoài để làm ra của cải. Vì lợi nhuận họ tôn vinh bí quyết công nghệ nước ngoài và hầu như KHCN trong nước đứng ngoài cuộc. Những phân tích đã chỉ rõ những yếu tố của chất lượng tăng trưởng không cao, tốc độ tăng trưởng kém bền vững… trong đó có nhấn mạnh đến vai trò KHCN nội tại.
Vì vậy chỉ có Nhà nước mới làm được việc chắp cánh cho KHCN trong nước và chỉ có thông qua chiến lược và đầu tư trọng điểm (không dàn trải) chọn những ngành nghề nào tác động trực tiếp đến GDP để ưu tiên chú trọng, phải lấy mục tiêu trước mắt vì phát triển kinh tế thì mới thực hiện mục tiêu lâu dài về KHCN để KHCN nội tại thực sự là cứu cánh cho nhà sản xuất.
Trong các lĩnh vực KHCN thì TĐH có vai trò cốt lõi cho nên đầu tư cho phát triển TĐH vừa phục vụ mục tiêu trước mắt vừa mang tính lâu dài vì giá trị khoa học của nó các nước vẫn coi là bí quyết công nghệ của họ. Phải chú trọng phát triển TĐH, đầu tư cho TĐH là hướng đi chính xác.

theo www.automation.net.vn