Việt Nam xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao

10/Thg5/2007 15:31:16

Theo TS Nguyễn Chánh Khê, Giám đốc Trung tâm R&D (Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh), từ đầu năm 2007, rất nhiều công ty về công nghệ cao hàng đầu thế giới tại Mỹ như CitiGEN (San Jose), Tupperware (Florida), AMD (Texas) và một số công ty nổi tiếng khác như ULVAC (Nhật), CISRO (Úc), CEA-LETTI (Pháp), AIXTRON (Đức)... thường xuyên ghé trung tâm, không phải vì mục đích hỗ trợ giáo dục và đào tạo cho Việt Nam mà muốn hợp tác phát triển để đi vào sản xuất và thương mại hóa các công nghệ đã được khai phá tại Trung tâm R&D. Đặc biệt, Công ty International Association of Nano Technology (IAN) vốn nhận tài trợ từ Văn phòng Tổng thống Mỹ G.Bush, hằng ngày vẫn điện thoại từ Mỹ sang để đề nghị hợp tác với Trung tâm R&D.

Sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam được săn lùng nhất hiện nay chính là carbon nano tube. Nhiều công ty nổi tiếng về công nghệ cao trên thế giới muốn có một hợp đồng với Trung tâm R&D để mua sản phẩm siêu lợi nhuận carbon nano tube do Việt Nam chế tạo. Để làm ra vỏ phi thuyền vũ trụ, vũ khí chống khủng bố... vốn cần đến hàng trăm tấn carbon nano tube. Hiện chỉ có Mỹ, Nhật và một số nước châu Âu mới sản xuất được sản phẩm này nhưng với số lượng rất khiêm tốn. Riêng Mỹ chỉ sản xuất được khoảng 10 kg/năm. Tuy nhiên, một số mẫu phẩm nano sản xuất từ nước ngoài cho thấy chúng bị nhiễm bẩn, không đồng đều, khó sử dụng mà giá thành lại rất cao.

Trong khi đó, trải qua một thời gian nghiên cứu và chế tạo bằng những nguyên vật liệu sẵn có trong nước, vào ngày 30/04/2007, TS Nguyễn Chánh Khê và các cộng sự sẽ cho ra đời 0,2 kg nano tube thô đầu tiên và khoảng 4-5 kg carbon nano tube vào tháng 7/2007 bằng một công nghệ rất mới mà Trung tâm R&D đang làm chủ và đã đăng ký bản quyền công nghệ tại Mỹ, cũng như đã được hội thảo nano quốc tế lớn nhất Nanotech 2007 cho phép báo cáo vào tháng 5 sắp tới tại Santa Clara Convention Center. Hiện nay, theo giá thành thế giới, 1 kg carbon nano tube có thể được bán với giá từ 100.000 – 800.000 USD. Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Chánh Khê, sản phẩm của Việt Nam sẽ bán ra thị trường với giá rẻ hơn nhưng chất lượng tốt hơn, chính vì thế rất nhiều hợp đồng hứa hẹn mang về cho đất nước hàng triệu USD đang chờ đón ở phía trước.

Với niềm tự hào, TS Nguyễn Chánh Khê cho biết: “Việt Nam đã từng gây tiếng vang trên thế giới khi GS Trần Đại Nghĩa từ gậy gộc tầm vông đã chế tạo ra súng Bazoka, súng DKZ, đạn bay... trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp 1945-1954. Trong kháng chiến chống Mỹ, Việt Nam bắn rơi máy bay B52 bằng hỏa tiễn Sam được cải tiến... Đến nay, bước vào cuộc chiến giành đất trong lĩnh vực công nghệ cao, Việt Nam cần phải tiếp tục gây ấn tượng với những thành quả công nghệ cao mà thế giới phải biết đến và học hỏi”. Niềm tin của TS Khê và cộng sự như được “chắp cánh”, khi 2 phòng thí nghiệm nano và bán dẫn được TP đầu tư 190 tỉ đồng, xây dựng trên diện tích 4.000 m2 tại Khu Công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh đang vào giai đoạn hoàn thiện. Ở đó, có phòng sạch class 10.000 (540 m2) và class 100 (60 m2) sẽ là nơi làm việc lý tưởng của họ. Theo TS Khê, từ những ký carbon nano tube đầu tiên, nếu thuận buồm xuôi gió, ông và các cộng sự sẽ sản xuất 20 kg vào cuối năm 2007 để tung ra thị trường đang khan hiếm này.

(Theo Người Lao động, 5/2007)